Bắt đầu như thế nào?
Cách đây 13 năm, khi lần đầu chạm ngõ đầu tư chứng khoán, tôi bắt đầu bằng việc xuống tiền để mua luôn cổ phiếu của công ty nơi tôi làm việc dưới sự hướng dẫn của những người anh thân thiết. 10 năm sau đó, năm 2018, khi thành lập công ty riêng của mình, tôi bắt đầu bằng cách tìm người đồng sáng lập. Hai lần "khởi nghiệp" cách nhau 10 năm chắc chắn hoàn toàn khác nhau.
Vậy làm thế nào để bắt đầu? Giống như bài viết này vậy, là bài viết đầu tiên mà tôi viết tại đây. Chúng ta, trong cuộc sống, luôn có những lúc bắt đầu, chẳng hạn bắt đầu nhận một công việc mới, bắt đầu tạo dựng một sự nghiệp, hay bắt đầu một mối quan hệ nào đó quan trọng trong đời. Và câu hỏi đặt ra là, bắt đầu như thế nào để thành công?
Làm thế nào để bắt đầu?
Khái niệm bắt đầu mà tôi muốn đề cập ở đây là một sự bắt đầu chủ động theo ý muốn của mình, không phải sự bắt đầu bị động như khởi đầu một ngày mới, một năm mới, hay khi ta còn nhỏ là bắt đầu đi học mẫu giáo chẳng hạn.
Bạn luôn muốn đầu tư chứng khoán vì bạn thấy xung quanh mình mọi người ai cũng nói đầu tư là tốt. Vậy làm sao để bắt đầu? Theo tôi, việc dễ nhất mà bạn có thể làm là gọi thằng bạn thân có tham gia đầu tư chứng khoán, hỏi nó về cách mở một tài khoản. Sau đó, đi mở cùng nó, bỏ tiền vào, và mua một cái gì đó, ít thôi, tất nhiên, theo hướng dẫn của nó. Boom!!! Vậy là bạn đã bắt đầu đầu tư chứng khoán rồi đấy.
Đúng vậy, điều tôi muốn khẳng định chính là, nếu bạn mong muốn làm một việc gì đó, thì hãy thực hiện luôn đi, vì thời gian sẽ cứ trôi chứ không dừng lại để đợi bạn. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy mình làm được nhiều việc hơn, nếu bắt tay vào làm luôn những mong muốn dự định của mình. Cũng giống như bài viết này vậy, nó là bài viết đầu tiên của dự định viết blog chia sẻ của tôi, tôi cũng ngồi đây và quyết định viết luôn để có thể khởi động được một kế hoạch lớn hơn liên quan đến mong muốn được chia sẻ tri thức và trải nghiệm của mình và những người khác tới bạn đọc.
Bắt đầu như thế nào để thành công?
Ai trong chúng ta cũng thất bại, bởi vậy muốn thành công, đầu tiên phải tôn trọng những thất bại. Khi tôi làm một điều gì đó, tôi biết rằng mình không có đủ tri thức để biết hết tất cả những điều có thể xảy ra với một dự án mới, một công ty mà tôi đầu tư, hay đơn giản là một ngày mới. Cái mà tôi có thể biết đó là nếu lỡ tôi thất bại thì tôi bị làm sao, có thể học được gì và ảnh hưởng của nó với cuộc đời tôi như thế nào.
Trong thời đại 4.0, kỷ nguyên của công nghệ thông tin, việc tiếp cận của con người tới tri thức là dễ dàng hơn bao giờ hết. Kinh nghiệm của tôi để bắt đầu và thành công là bắt tay ngay vào nghiên cứu. Thế giới có hơn 7 tỷ người, ý tưởng hay mong muốn của tôi khi bắt đâu, chắc chắn đã có một ai đó trên thế giới có trải nghiệm như tôi.
Vì vậy việc đầu tiên khi bắt đầu là tôi lên Google và tìm kiếm về dự án tôi muốn làm. Đơn giản như, chọn công nghệ nào để làm blog tốt chẳng hạn? Làm sao để viết được blog hay? Càng bắt đầu thì càng có nhiều câu hỏi cần trả lời, và ta bắt đầu trả lời từng câu hỏi một. Nên nhớ, vì ai cũng thất bại, nên ta không phải xấu hổ khi thất bại, càng làm, càng rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn, nghĩa là thành công sẽ đến gần hơn.
Quản trị rủi ro khi bắt đầu
Đến đây, chắc bạn hơi bất ngờ, khi tôi nhắc đến "quản trị rủi ro". Mới bắt đầu thì làm gì có gì đâu mà quản trị rủi ro. Thực tế, theo tôi đây là điểm mấu chốt mà nhiều người không nghĩ đến khi bắt đầu thực hiện dự án hay thực hiện đầu tư chẳng hạn. Tôi nghĩ để thành công, điều quan trọng nhất là phải quản trị được rủi ro của mình.
Tôi có hai ví dụ về quản trị rủi ro. Ví dụ đầu tiên là startup - khởi nghiệp, khi tôi chuẩn bị một số tiền lớn đề bắt đầu tạo dựng một công ty, tôi phải biết số tiền đó cho tôi được bao nhiêu thời gian để xây dựng ý tưởng, để tôi thử nghiệm. Điều này giúp tôi tránh được trường hợp đang làm lại hết tiền và không làm được nữa. Đó là việc quản trị rủi ro đầu tiên.
Ví dụ thứ hai, nếu tôi xuống tiền đầu tư chứng khoán chẳng hạn, tôi cũng phải xác định được nếu mất toàn bộ hoặc một phần số tiền đó, thì cuộc sống gia đình và cá nhân tôi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Xác định được rủi ro đó rồi, thì tôi sẽ vững vàng hơn, ít nhất về tâm lý, trong các quyết định đầu tư, do tôi đã sẵn sàng để đối mặt với các rủi ro đó ngay từ đầu.
Thành công bao lâu mới đến?
Tôi đồ rằng ai khi bắt tay vào một việc gì đó, chắc cũng băn khoăn với câu hỏi thành công bao giờ mới đến. Tôi lao vào làm, tôi quản trị rủi ro, tôi lập kế hoạch, tôi nghiên cứu. Và khi nào tôi thành công? Thực tế, qua trải nghiệm của chính mình, tôi thấy việc bắt đầu càng sớm, thì thành công cũng đến càng sớm. Không một ai có con đường chung. Nhưng nếu bạn dự định làm một việc, tôi nhận thấy càng khởi sự sớm, thì thành công càng dễ đến với bạn hơn.
Hy vọng với bài blog đầu tiên này, tôi đã giúp bạn đọc một điều gì đó về việc bắt đầu. Tôi cũng rất vui là mình đã bắt đầu với DNSE Blog - Đầu tư thông minh hơn. Tôi mong là "DNSE Blog - Đầu tư thông minh hơn" sẽ phát triển và giúp được nhiều bạn đọc.