Bộ tiêu chí 4M trong lựa chọn cổ phiếu
Bộ tiêu chí 4M hẳn không còn xa lạ với các nhà đầu tư khi cuốn Payback time (Ngày đòi nợ) trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong thời gian qua.
Một số ý kiến trái chiều cho rằng, một cuốn sách “mỳ ăn liền” với những tiêu chí quá đơn giản như thế sẽ không thể giúp các nhà đầu tư tạo nên thành công trong thị trường chứng khoán - nơi được đánh giá là chuyển động khó lường và đa biến số.
Thực tế, biển học là mênh mông và kiến thức về đầu tư nói chung là rộng lớn không có điểm dừng. Tuy nhiên, với một số lượng không nhỏ các nhà đầu tư đến với thị trường chứng khoán chưa từng dành phần lớn thời gian cho lĩnh vực này, một bộ tiêu chí mang tư duy tổng quát nhưng tinh gọn như 4M là không thể bỏ qua.
Đó là kim chỉ nam cho các nhà đầu tư tiếp cận gần hơn với cách đánh giá về cổ phiếu và thị trường, từ đó hình thành nên các quy chuẩn lựa chọn danh mục đầu tư riêng cho bản thân.
Bộ tiêu chí 4M được Phil Town xây dựng kế thừa từ phương pháp đầu tư giá trị của Graham và Buffett. Bộ tiêu chí được phổ biến bởi tính dễ nhớ, dễ dùng và tạo thành các checklist hiệu quả cho các nhà đầu tư mới ứng dụng.
4M là từ viết tắt của 4 tiêu chí lựa chọn cổ phiếu theo quan điểm của Phil Town, bao gồm:
- Meaning
- Moat
- Management
- Margin of safety
Bạn sẽ cùng Entrade “điểm danh” 4 tiêu chí đó nhé.
1. Meaning - Ngành nghề đó có ý nghĩa như thế nào với bạn?
Trong thị trường chứng khoán, thứ xa xỉ nhất, theo quan điểm của tôi, không phải là tiền mà là niềm tin. Không khó bắt gặp việc một cổ phiếu ngày hôm trước được số đông ca ngợi, ngày hôm sau bị bán ra bằng mọi giá.
Sự vận động không ngừng của thị trường với những biến động của tài sản làm trỗi dậy tâm lý tham lam và sợ hãi trong mỗi con người. Không có niềm tin vào doanh nghiệp đứng đằng sau tấm cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ mãi chìm trong cuộc chơi đầu cơ đỏ đen. Chỉ khi nào có đủ niềm tin, họ mới có thể ngon giấc.
Meaning buộc nhà đầu tư phải trả lời ít nhất hai câu hỏi dưới đây và nhờ vậy sẽ không ngừng mở rộng năng lực tìm kiếm thông tin và nâng cao hiểu biết trước khi đầu tư vào bất cứ cổ phiếu hay ngành nghề nào:
(1) Bạn có am hiểu doanh nghiệp đó?
(2) Bạn có sẵn sàng nắm giữ doanh nghiệp như một người chủ hay không, nếu thị trường thứ cấp phải đóng cửa ngày mai?
Bên cạnh đó, meaning cũng định hướng nhà đầu tư vào những lĩnh vực mà họ có hiểu biết. Nếu họ đang làm trong ngành xây dựng, việc hiểu rõ mô hình kinh doanh, các sản phẩm đặc thù và vị thế các doanh nghiệp trong ngành là lợi thế mà meaning dành cho họ trong quá trình lựa chọn danh mục đầu tư.
Lý thuyết của Phil Town đề xuất các cá nhân gắn việc đầu tư của bản thân với ba vòng tròn hiểu biết có tên gọi trải nghiệm, kinh nghiệm và đam mê. Càng gắn bó với những vòng tròn hiểu biết này, nhà đầu tư càng dễ có cơ hội tìm ra được các doanh nghiệp có độ bền vững cao.
Trái lại, đối với những nhà đầu tư quá tự tin dấn thân vào các lĩnh vực mới bất chấp việc họ còn non trẻ, thiếu hiểu biết và trải nghiệm trong các lĩnh vực đó, rủi ro sẽ ở mức khôn lường..
2. Moat - Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững hay không?
Moat(*) có nghĩa là đường hào nước sâu bao quanh một tòa lâu đài. Đây là hình ảnh ẩn dụ mà ngài Buffett sáng tạo ra nhằm ám chỉ lợi thế cạnh tranh của một công ty, giúp bảo vệ công ty khỏi môi trường lạm phát và các đối thủ cạnh tranh.
Thông thường, lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp được cấu thành từ rất nhiều giá trị vô hình, nên việc xét đoán được nó là một quá trình hết sức phức tạp đối với đa số các nhà đầu tư.
Ngài Phil Town, vì vậy, đã đưa ra gợi ý gồm 5 lợi thế định tính và 5 biểu hiện định lượng nhằm giúp các nhà đầu tư có định hướng rõ ràng khi tìm hiểu về lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp mà họ dự định đầu tư.
- 5 lợi thế định tính (qualitative):
Đánh giá lợi thế định tính là một bước quan trọng, song ta vẫn có thể rơi vào bẫy chủ quan (subjectivity) nếu không kiểm chứng thông qua các con số tài chính của công ty. Do đó, ngài Phil Town đã đưa ra 5 chỉ số tài chính mà chúng tôi cho rằng khá xác đáng nhằm lượng hóa được lợi thế cạnh tranh.
- 5 biểu hiện định lượng (quantitative):
Chú thích:
- ROIC = Lợi nhuận sau thuế/(Vốn chủ sở hữu + Nợ vay ròng), thể hiện hiệu quả sinh lợi trên vốn đầu tư, nên được so sánh với lãi suất.
- Tăng trưởng nên được so sánh với GDP hoặc trung bình thị trường.
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO), thể hiện chất lượng lợi nhuận.
- Nợ vay ròng/lợi nhuận sau thuế, thể hiện sức mạnh tài chính và khả năng chi trả lãi vay.
3. Management - Ban lãnh đạo doanh nghiệp có đáng tin cậy?
Có thể nói, lãnh đạo là linh hồn của một doanh nghiệp và đây được xem là tiêu chí ảnh hưởng sống còn đến một thương vụ đầu tư. Khi hiện tượng các lãnh đạo tư lợi cá nhân hay các chiêu trò làm giả số liệu luôn tồn tại trong thị trường với độ minh bạch còn hạn chế thi việc đánh giá tiêu chí này không chỉ giúp nhà đầu tư quản trị và ý thức rủi ro mà còn thấu hiểu những bước đi và tinh thần của doanh nghiệp tốt hơn.
Management là chữ cái thứ ba trong bộ tiêu chí và là nhân tố không thể thiếu khi lựa chọn một doanh nghiệp có độ tin cậy cao.
- Ban lãnh đạo có hành động vì cổ đông? Có sẵn sàng lắng nghe cổ đông?
Ban lãnh đạo liêm chính, không tư lợi cá nhân sẽ có những hành động nhất quán vì lợi ích của cổ đông. Nhà quản trị sẵn sàng lắng nghe và trao đổi trực tiếp với các cổ đông một cách cởi mở như cách ngài Buffett làm trong đại hội của ông thường là những người liêm chính, không có gì phải che giấu.
- Ban lãnh đạo có tập trung vào hoạt động cốt lõi?
Bất cứ khi nào nhà đầu tư cá nhân nhận thấy dấu hiệu ban quản trị quyết định bán/cắt đi những mảng kinh doanh trái ngành, hoặc đề ra hành động nhằm phát triển mạnh hoạt động kinh doanh chính yếu, thì đó chính là một điều vô cùng tuyệt vời, thể hiện cam kết của ban lãnh đạo trong các hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp.
- Ban lãnh đạo có tinh thần cầu tiến, đặt mục tiêu cao?
Để duy trì và mở rộng được con hào (moat) lợi thế của doanh nghiệp, nhất định phải có một nhà quản trị có thái độ cầu tiến, liên tục phát triển công ty. Chỉ có tinh thần cầu tiến không ngừng mới khiến doanh nghiệp tăng trưởng và mở rộng được thị trường, đồng thời gia tăng mạnh mẽ các lợi thế cạnh tranh của họ.
- Cuối cùng, “không có lửa sẽ không có khói”.
Để kiểm chứng lại một lần cuối cùng, chúng ta cần sử dụng phương pháp lời đồn đại (scuttlebutt) bằng cách hỏi thăm nhân viên, các cổ đông và đối tác của doanh nghiệp. Nhà đầu tư có thể sử dụng các mối quan hệ cá nhân hoặc tham khảo trên các diễn đàn để kiểm chứng các thông tin về doanh nghiệp.
Nếu nhà quản trị có bất kỳ dấu hiệu nào không liêm chính, khả năng rất cao chúng ta sẽ nghe ngóng được thông tin đó. Còn nếu họ không làm gì sai, sẽ không có ai bịa chuyện lên cả.
Tóm lại, một đội ngũ quản trị hành động vì lợi ích của cổ đông (owner-oriented), tập trung vào ngành nghề cốt lõi và có thái độ cầu tiến, luôn luôn tìm cách để phát triển công ty là một đội ngũ vô cùng đáng tin cậy. Đó là những phẩm chất hiếm hoi mà nhà đầu tư cần tìm kiếm trong một thị trường còn thiếu minh bạch như Việt Nam.
4. Margin of safety - Biên độ an toàn
Giá mua có hấp dẫn?
Ngài Phil Town đã thêm vào chữ M cuối cùng trong bốn tiêu chí chọn lựa của ông. Chữ M ấy là Margin-of-safety (biên độ an toàn), một nguyên tắc vĩnh cửu trong đầu tư giá trị.
Với ông, “một cái cây không thể nào mọc lên tận mây xanh”.
Chiến lược của ông là chờ đợi đến khi giá cả của doanh nghiệp tuyệt vời đó thấp hơn từ 25%-50% so với giá trị thực, ông sẽ bắt đầu mua tích trữ một cách tự tin. Giá càng giảm, ông càng hăng hái mua thêm.
Việc đề ra biên độ giúp nâng cao tính kỷ luật, tránh gặp phải tình trạng mua – bán theo tâm lý và chịu áp lực khi thị trường biến động. Bên cạnh đó, bạn cần biết rằng định giá là bộ môn nghệ thuật chứ không phải bộ môn khoa học chính xác, việc đề ra biên độ an toàn sẽ giúp tạo ra những lớp chắn phòng thủ vững chắc cũng như gia tăng lợi thế đầu tư dài hạn.
Đó là mua vào, vậy thì bán ra ở thời điểm nào là thích hợp?
Khi đã tìm được công ty tuyệt vời để đầu tư, hầu như ngài Phil Town không còn hiện hữu suy nghĩ về việc bán cổ phiếu ra, trừ 3 trường hợp như sau:
(1) Giá cổ phiếu vượt cao hơn 25% so với giá trị thực: Nhà đầu tư cá nhân cần có nguyên tắc bán – không được để cảm xúc lấn át đi lý trí.
(2) Lợi thế cạnh tranh hoặc tình hình tài chính của công ty kém dần: Sự sụt giảm thị phần, xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn, tiền mặt dần cạn kiệt, nợ vay chồng chất là những dấu hiệu cho việc con hào (moat) của công ty đang từ từ biến mất.
(3) Khi ta tìm được công ty tuyệt vời khác ở giá rẻ hơn: Trong trường hợp này, nhà đầu tư nên cân nhắc bán một phần để thu hồi vốn (chỉ giữ lại phần lợi nhuận), để tái đầu tư vào công ty tuyệt vời mới đó.
Ưu và nhược điểm của 4M
Bất cứ một phương pháp nào cũng có ưu và nhược điểm riêng, và 4M cũng không là ngoại lệ.
Về ưu điểm, phương pháp đầu tư 4M dễ hiểu, dễ hình dung với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, bởi nó phản ánh 4 khía cạnh cơ bản nhất của doanh nghiệp, đồng thời dễ thực hiện ở các chỉ tiêu định tính.
Về nhược điểm, 4M sở hữu các chỉ tiêu định lượng quá đơn giản.
Việc định giá doanh nghiệp chỉ dựa vào P/E và hệ số tăng trưởng của doanh nghiệp là quá đơn giản. Nhà đầu tư sẽ rất dễ rơi vào tình trạng đánh đồng tất cả các công ty có lợi thế cạnh tranh sẽ đều nhận được một mức định giá P/E như nhau.
Đây là điều cực kỳ nguy hiểm bởi với mỗi doanh nghiệp sẽ có tỷ suất sinh lời, lợi thế cạnh tranh, khả năng tăng trưởng khác nhau từ đó mà thị trường cũng chấp nhận chúng ở mốc định giá tương ứng.
Trên đây là những phân tích toàn cảnh về phương pháp đầu tư 4M mà Entrade muốn giới thiệu tới độc giả. Mong rằng bài viết cung cấp những luận cứ để các nhà đầu tư có thể vận dụng thích đáng trong quá trình đầu tư của mình, có tính đến những điểm mạnh – điểm yếu của từng phương pháp.
Entrade (tổng hợp và biên soạn)