Đầu tư tài chính dưới nhân sinh quan của Phật giáo
Tâm pháp
Khi nghiên cứu về Phật học cũng như bất cứ một bộ môn nào khác như âm nhạc hoặc võ thuật, chúng ta thường chỉ tiếp cận với các biểu hiện bên ngoài. Điều đó hoàn toàn không sai, nhưng để có thể hiểu sâu và từ đó có được những thành tựu nhất định, cái đạt được phải là sự thấm nhuần về tư duy, mà trong Phật giáo gọi là Tâm pháp.
Lý Tử Long, một huyền thoại võ thuật, từng nói: “Tôi chỉ sợ kẻ đá một cú đá 1000 lần chứ không sợ kẻ đá 1000 cú đá”. Câu nói này hàm ý hình thức hay số lượng, về bản chất, không biểu đạt được nội tại thực sự. Một người hát có thể nhại theo những ca sĩ khác, nhưng để hát hay và có sức truyền cảm, họ phải thấm được cái tình cảm chất chứa ở sâu bên trong, hay nói cách khác là phải cảm nhận được cái hồn của ca khúc. Cũng vậy, để hiểu và giác ngộ một tầng nhất định của một tôn giáo, cần vượt qua được hình thức biểu hiện bề ngoài mà tìm hiểu gốc rễ sâu xa về tư tưởng của tôn giáo đó, từ đó sẽ nắm bắt được các thể thức đúng đắn.
Trong đầu tư cũng thế, không phải dài hạn hay ngắn hạn, không phải kĩ thuật cao siêu hay cơ bản, về thống kê hay chartist, tôi có quan điểm rằng, thứ quan trọng là tư duy đúng. Đó là quá trình nhận thức về chính bản thân của nhà đầu tư hòng tìm được đường hướng đúng đắn. Như Warren Buffett từng nói, “Bạn cần phải hiểu bạn là ai trong vai trò một nhà đầu tư, bạn có mục đích gì, có ràng buộc gì, có lợi thế gì, bạn sẵn sàng chịu đựng rủi ro đến mức độ nào? Hãy tìm hiểu các chiến lược đầu tư hiệu quả với bạn. Đảm bảo bạn biết lý do và cách đầu tư trước khi đưa phần lớn tài sản của mình vào bất kì cổ phiếu hay lớp tài sản nào". Do đó, lối tư duy được hình thành và thách thức bởi những khái niệm gốc rễ sơ đẳng nhất lại chính là điều vô cùng cần thiết cho mỗi nhà đầu tư.
Bản ngã
Nếu bản ngã là thứ cản trở lớn nhất trong quá trình tiếp cận chân lý thì cái tôi là thứ đánh chìm rất nhiều nhà đầu tư bởi nó đưa họ xa rời bản chất tự nhiên của môi trường kinh doanh. Việc lạm dụng cái tôi cá nhân dễ khiến nhà đầu tư có cách nhìn nhận cắt lát và tách rời, dẫn đến những kết quả nhận thức phiến diện về một tổng thể lớn. Mỗi nhà đầu tư khi đến với thị trường tài chính rộng lớn vận động không ngừng, thứ có thể kiểm soát được chỉ có thể là bản thân mình, nhưng bản ngã, với tham vọng cá nhân, thường khiến cái nhìn của họ về thị trường trở nên méo mó và chủ quan.
Chính bản ngã là cản trở lớn nhất trong quá trình nhận thức sự tồn tại. Trong đầu tư cũng thế, nhà đầu tư phải trải qua quá trình hình thành sinh diệt của tham vọng, thất vọng, lãi lỗ, được mất và bỏ quên sự tồn tại tự nhiên của thị trường trong sự tuần hoàn không ngừng nghỉ. Sự phân biệt cố hữu riêng rẽ kinh doanh - tài chính - thị trường cũng đưa ra những kiến giải rời rạc mơ hồ hơn nữa về giá trị. Hơn lúc nào hết, nhà đầu tư cần bỏ qua cái tôi, tôn trọng thị trường và tìm kiếm một lối đi phù hợp với mình trên con đường đầu tư lâu dài.
Vận động
Quá trình Thành - Trụ - Hoại - Không trong tồn tại dưới quan điểm Phật giáo cũng tương đồng với Tăng trưởng - Bão hoà - Suy thoái - Hồi phục của nền kinh tế và chu kì vòng đời của doanh nghiệp, cũng như quá trình Tích lũy - Đi lên - Phân phối - Xả hàng trong tiến trình phân tích kỹ thuật. Đây là những vận động không ngừng trong đó quá trình này tương hỗ đan xen qua lại với quá trình khác, tạo nên các hình thái chung. Nắm bắt được các giai đoạn đó và chờ đợi các điểm hội tụ của nhân duyên chính là cách tiếp nhận nhìn nhận thị trường một cách tôn trọng và chủ động, từ đó giúp nhà đầu tư nắm bắt các cơ hội từ điều kiện môi trường khách quan.
Điều mà tôi muốn gửi gắm qua bài viết này tới độc giả đó là việc hình thành một tâm thái đầu tư an lạc, một tư duy đầu tư tích cực chủ động và một cuộc sống đầu tư lâu dài rộng mở trong quá trình góp phần vào tăng trưởng giá trị chung của xã hội.