Khi thị trường đảo chiều

Chơi "chứng" dễ ợt?

Gia nhập thị trường chứng khoán từ năm 2020, đúng vào cái hồi mà thị trường chứng khoán cứ mua mã nào là thắng mã đó, tôi cứ nghĩ ôi sao mà dễ dàng thế!

Tôi cứ mua ra mua vào liên tục theo chỉ dẫn của môi giới. Hầu như các mã tôi cầm đều thắng lớn. Tâm trạng tôi mỗi ngày đều hân hoan, vui sướng.

Thế rồi cú sập lịch sử vào tháng 1/2021 đã khiến tài khoản của tôi đỏ au. Tất cả những lần thắng nhỏ lẻ không đủ bù cho một lần thua lỗ. Tài khoản của tôi đã hao hụt đáng kể so với số vốn ban đầu bỏ ra.

Số phận người bên lề

Hoảng sợ, lo lắng, tin tức xấu lại ập về, tôi vội vàng bán tống bán tháo hòng lấy lại vốn. Cô nàng broker bảo: "Thị trường đang lúc điều chỉnh, chị đứng ngoài cuộc đã".

Và khi tôi đứng ngoài cuộc, thì cuộc chuyển mình trỗi dậy. Tôi âm thầm theo dõi các mã đã cắt lỗ trước đó và chợt nhận ra, nó không những đã về bờ mà còn tăng nhanh và mạnh khủng khiếp.

Lúc này thì tôi đã thấm nhuần câu nói: “95% các nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường chứng khoán”. Rất không may, tôi thuộc về số đông đó.

Vậy làm cách nào để tôi thuộc về con số 5% ít ỏi các nhà đầu tư kia?

Những điều chiêm nghiệm

Tôi quyết định tìm hiểu nghiêm túc về thị trường này. Mày mò tự học trên yotube, tôi chiêm nghiệm được nhiều điều hơn là hàng ngày nghe broker phán và nhìn bảng điện chập chờn.

  • Tôi biết được, khi mua cổ phiếu mình chỉ nên chọn 1-2 mã thuộc một nhóm ngành và chỉ nên mua 5 mã cổ phiếu để dễ quan sát. Đây là điều mà trước đó tôi không hề quan tâm, chỉ khi thị trường xanh, broker báo mua mới dám mua, thị trường đỏ thì run sợ.
  • Tôi biết được, khi cổ phiếu mình mua xong, trong thời gian tiếp theo nếu thị giá bị giảm, thì đừng hoảng sợ. Mua vì lý do gì thì hãy bán vì lý do đó. Nếu bạn mua vì doanh nghiệp tốt, hãy tự tin mua tiếp ngay cả khi giá có thể đi xuống trong một thời gian.

Trước đây, cứ có tiền bán cổ phiếu là tôi ứng trước để mua. Tôi hấp tấp và nóng vội. Tôi phải hỏi bằng được broker hoặc bạn bè xung quanh để lùng mua bằng được cổ phiếu mới. Dù chỉ là một vài trăm "cổ" thôi tôi cũng cố mà mua, nghĩ rằng không thể để tiền chết.

Tìm hiểu rồi tôi mới biết rằng, để dành tiền cũng là một cách đầu tư. Có sẵn tiền trong tay, chờ khi thị trường đổ máu, tôi có cơ hội mua được cổ phiếu của doanh nghiệp tốt với giá hời.

Chơi chứng khoán cũng là học cách sống

Tôi cũng nghiệm ra rằng, chính nhờ phương pháp đầu tư vào chứng khoán hiện tại mà bản thân tôi học được cách kiên nhẫn, cũng từ đó áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Điển hình là trong việc dạy dỗ con cái, trước đây tôi nóng vội. Tôi muốn tôi bày xong thì con phải hiểu ngay tắp lự.

Bây giờ, tôi thấm thía rằng con không thể ngày nào cũng lớn để hiểu được hết mọi chuyện. Vì thế nên tôi biết cách tiết chế hơn.

Tôi biết con tôi cần có thời gian để hấp thụ, rồi cũng sẽ tới ngày con có câu trả lời cho những câu hỏi kiến thức mà tôi truyền tải cho con.

Tương tự như vậy, trong chứng khoán, các doanh nghiệp cũng  cần thời gian để lớn. Nếu kiên nhẫn, rồi tôi cũng đợi được đến cái ngày mà giá trị thật của doanh nghiệp được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Quan trọng là giờ đặt lệnh mua cổ phiếu rồi, đêm về tôi vẫn ngủ ngon. Tôi không còn chất chứa tâm trạng lo lắng hay hoảng sợ dù thị trường ngày mai xanh đỏ đan xen.

Cảm ơn bạn đã lắng nghe những chia sẻ của tôi. Chân thành cầu chúc cho các nhà đầu tư chúng ta luôn vui, khoẻ và sớm đạt được mục tiêu tự do tài chính.

Ngọc Trà

* Bài viết được tác giả gửi đến cho chuyên mục: “TÂM SỰ CHỨNG KHOÁN”


Chủ đề: Khoản lãi từ chứng khoán đáng nhớ nhất!
⌛ Thời hạn gửi bài: Từ 22/2/2022 đến 1/4/2022
✍️ Độ dài: 500-2000 từ
🔥 Gửi tâm sự ở đây bạn nhé: https://bit.ly/TamSuChungKhoanT3
💰 Mỗi bài viết được đăng tại https://blog.dnse.com.vn/ sẽ nhận được tiền nhuận bút cực xịn cũng như những phần quà bất ngờ đến từ DNSE!
Còn chần chừ gì nữa mà không tham gia ngay nào các bạn!