Phù thủy chứng khoán William O’Neil và phương pháp đầu tư theo đà tăng trưởng CANSLIM

1. Phù thủy phố Wall – Ông là ai?

William O’Neil sinh năm 1933 tại Oklahoma và lớn lên tại Texas. Ông được giới đầu tư lâu năm trên thế giới biết tới là một nhà đầu tư tài ba, một nhà đầu tư huyền thoại ở nước Mỹ. Ở tuổi 30, ông đã trở thành người trẻ nhất mua chỗ ở Sở giao dịch chứng khoán New York và thành lập William O’Neil & Co. Inc, chuyên cung cấp dữ liệu và báo cáo phân tích đầu tư cho các nhà đầu tư định chế.

Năm 1972, ông thành lập Daily Graphs, Inc, một công ty cung cấp dữ liệu, biểu đồ chứng khoán cho nhà đầu tư cá nhân. Daily Graphs sau đó đổi tên thành MarketSmith, Inc vào năm 2010 với các công cụ đầu tư dành cho nhà đầu tư cá nhân.

Năm 1983, O’Neil lập ra tờ nhật báo tài chính quốc gia với tên gọi là Investor’s Daily, sau này trở thành tờ Investor’s Business Daily (Nhật báo kinh doanh của nhà đầu tư) vào năm 1991, là một địch thủ đáng gờm của tờ Nhật báo phố Wall.

Ông đã rất thành công và gần như gắn bó cả cuộc đời mình với thị trường chứng khoán như một nhà nghiên cứu và tư vấn tài ba với thành quả nghiên cứu có tính ứng dụng vô cùng lớn, tiêu biểu như phương pháp đầu tư theo đà tăng trưởng CANSLIM, phương pháp đầu tư lựa chọn và sàng lọc các cổ phiếu đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định, đã giúp tài khoản do ông quản lý tăng trưởng đến 20 lần chỉ trong vòng 26 tháng.

William J. O'Neil

2. CANSLIM - Phương pháp đầu tư theo đà tăng trưởng

O’Neil kết hợp giữa các chiến lược định tính và định lượng trong triết lý đầu tư hướng kết quả của mình. Nói ngắn gọn, kiểu đầu tư của ông là chỉ tìm kiếm những cổ phiếu tăng trưởng có tiềm năng tăng giá nhanh nhất kể từ thời điểm mua vào.

Bản dịch Cuốn sách "How To Make Money In Stock" tại Việt Nam

O’Neil đã tổng hợp các tiêu chí mà ông quan tâm đến khi mua một cổ phiếu.

- C: Current Quaterly Earnings per Share (Lợi tức trên mỗi cổ phần quý hiện tại): Càng cao càng tốt.

- A: Annual Earnings Increases (Tỷ lệ tăng trưởng lợi tức hằng năm): Tìm sự gia tăng đột biến.

- N: New Products, New Management, New Highs (Sản phẩm mới, Ban lãnh đạo mới, Đỉnh giá mới): Mua đúng thời điểm.

- S: Supply and Demand (Quy luật cung cầu): Cổ phiếu tốt cộng với nhu cầu lớn.

- L: Leader or Laggard (Dẫn đầu hay đội sổ): Cổ phiếu của bạn thuộc loại nào?

- I: Institutional Sponsorship (Các tổ chức bảo trợ): Theo chân những kẻ dẫn đầu.

- M: Market Direction (Xu hướng thị trường): Xác định xu hướng thị trường.

3. CANSLIM – Làm cách nào để xác định cổ phiếu tiềm năng?

Như đã đề cập ở trên, CANSLIM sử dụng hệ thống 7 tiêu chí để chọn lựa cổ phiếu, mỗi tiêu chí được thể hiện bằng một trong các chữ cái trong tên chiến lược. Để hiểu sâu hơn về từng tiêu chí, cũng là các quy tắc giao dịch, trong bộ danh mục 7 tiêu chí CANSLIM, hãy cùng xem xét các yếu tố cần quan tâm trong từng tiêu chí chứa đựng những hàm ý gì.

C - Current Quarterly EPS: Tiêu chí đầu tiên trong chiến lược của O'Neil là thu nhập hàng quý bùng nổ. O’Neil coi đây là yếu tố dự đoán chính xác nhất trong tất cả các yếu tố khi xác định đâu là “cổ phiếu siêu sao” trước khi chúng thực sự tăng mạnh. Theo đó, EPS ở quý hiện tại phải tăng càng cao càng tốt so với các quý cùng kỳ các năm trước; EPS giữa các quý tăng đều, ít nhất 18-20%; EPS phải cao nhất trong nhóm ngành. Đặc biệt, doanh số quý gần nhất phải tăng tối thiểu 25% và cần có sự đồng bộ giữa tăng trưởng doanh thu và EPS.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên lưu ý trường hợp các công ty cho dù có doanh số và lãi ròng tăng nhưng nếu phát hành thêm cổ phiếu sẽ dẫn đến việc cổ phiếu bị pha loãng và kết quả là EPS tăng ít. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần loại bỏ các khoản lợi tức một lần bất thường của công ty khi tính EPS, bởi vì các khoản doanh thu ngoài hoạt động cốt lõi này không thể hiện được tình hình hoạt động kinh doanh chính của công ty.

A - Annual Earnings Increases: O’Neil nhắm vào tỉ lệ tăng trưởng EPS hàng năm tăng đều ít nhất 3 năm vừa qua, tăng càng nhiều năm càng tốt. Tăng trưởng EPS hàng năm >=17%. Tỉ lệ tăng doanh thu phải tăng cùng với lợi nhuận. Tăng trưởng doanh thu tối thiểu 25%; ROE ít nhất 15%, tốt nhất là ROE >=25%. O”Neil không quan tâm tới P/E lắm vì theo ông P/E là kết quả chứ không phải là nguyên nhân gây ra biến động về giá.

N - New Products, New managament, New Highs: Với O’Neil, sản phẩm mới, lãnh đạo mới là tín hiệu xác định đỉnh giá mới.

S - Supply and Demand: Việc lựa chọn các cổ phiếu tiềm năng không nằm ngoài việc ưu tiên lựa chọn cổ phiếu có khả năng thanh khoản tốt, tức là cung cầu dồi dào để dễ dàng mua và bán cổ phiếu khi cần thiết. Các thông tin chia tách cổ phiếu hay công ty nào đó mua lại cổ phiếu, do đó, cũng là các yếu tố cung cầu quan trọng ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của cố phiếu.

L: Leader or Laggard: Ở tiêu chí này, O’Neil hướng tới việc chỉ mua cổ phiếu dẫn đầu ngành. Trong một thị trường chứng khoán cho xu thế tăng, một cổ phiếu đầu ngành sẽ tăng nhiều phần trăm nhất so với các cổ phiếu khác cùng ngành. Công ty dẫn dắt tại vị trí số một có thể không phải là công ty lớn nhất, nổi tiếng nhất. Đó có thể là công ty có mức tăng trưởng EPS hàng quý, hàng năm, ROE, mức tăng doanh thu, biến động giá cổ phiếu lớn nhất. Ngoài ra, không thể không kể đến ít nhất một sản phẩm hoặc dịch vụ ưu việt và dành được thị phần từ tay đối thủ.

I: Institutional Sponsorship: Các cổ phiếu thành công thường nhận được sự quan tâm của các tổ chức và quỹ đầu tư lớn. Vì thế, việc tìm hiểu thông tin, mức độ uy tín của các tổ chức cũng các thông tin gia tăng sở hữu là cần thiết đối với nhà đầu tư nhằm xác định các dấu hiệu tích cực liên quan đến tiềm năng của cổ phiếu. Tuy nhiên, một cổ phiếu quá lệ thuộc vào các cổ đông tổ chức không hẳn đã là một điều đáng mừng. Vào các đợt khủng hoảng giảm giá mạnh, nếu các tổ chức cùng bán ra ồ ạt với số lượng lớn, ắt hẳn cổ phiếu sẽ giảm giá mạnh, và như thế có thể chúng ta trở tay không kịp để thoát cổ phiếu khỏi cơn khủng hoảng.

M: Market Direction: Với O’Neil, trong một thị trường đang ở chiều hướng tăng, cổ phiếu tốt sẽ càng tăng mạnh; nhưng nếu thị trường đi xuống, cổ phiếu tốt tới đâu rồi cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, nhà đầu tư cần xác định được xu hướng của thị trường và sự vận động của các cổ phiếu để có những quyết định đúng đắn về thời điểm mua, bán.

4. CANSLIM - Ưu và nhược điểm?

CANSLIM là một chiến lược tăng giá cho thị trường chuyển động nhanh, vì vậy nó có thể không dành cho tất cả mọi người. CANSLIM là những tính toán để sở hữu các cổ phiếu tăng trưởng cao trước khi chúng được các quỹ tổ chức đầu tư đầy đủ.

Ưu điểm: CANSLIM có tính định lượng với các tiêu chí dễ tiếp cận với các nhà đầu tư đồng thời kết hợp được cả yếu tố kinh doanh, nội tại doanh nghiệp và yếu tố thị trường. CANSLIM giúp nhà đầu tư nắm bắt được chu kì tăng trưởng và tăng giá của các doanh nghiệp và cổ phiếu nhằm thu lợi nhuận nhanh và tối ưu thời gian tìm kiếm các cổ phiếu tiềm năng qua các tiêu chí bộ lọc.

Nhược điểm: Các con số lợi nhuận có thể đến từ các lợi thế ngắn hạn chỉ diễn ra trong điều kiện và môi trường kinh doanh nhất định. Khi điều kiện thị trường và môi trường kinh doanh thay đổi, cổ phiếu thông qua bộ lọc CANSLIM dựa vào các số liệu kết quả kinh doanh có thể giảm giá nhanh do xu hướng thị trường thay đổi nhanh và các quỹ đầu tư ưu tiên các nơi trú ẩn an toàn.

Bên cạnh đó, khi áp dụng phương pháp CANSLIM, cần hiểu rõ bản chất đằng sau các con số lợi nhuận, đồng thời nắm bắt nhanh nhạy thời điểm thuận lợi của cung – cầu và tình hình thị trường chung. CANSLIM với những tiêu chí đa dạng đòi hỏi ở nhà đầu tư một quá trình trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm và đây chính là một rào cản cho các nhà đầu tư mới trong việc áp dụng phương pháp này đúng và đầy đủ.

Tóm lại, CANSLIM phù hợp với các nhà đầu tư có kinh nghiệm với khả năng chấp nhận rủi ro cao hơn. Không đơn giản cứ mua cổ phiếu là đã nắm giữ phần lớn giá trị đang được định giá để tăng trưởng trong tương lai, bất kỳ sự chậm lại nào trong quỹ đạo tăng trưởng hoặc toàn thị trường, đều có thể dẫn đến việc cổ phiếu bị trả giá.

Entrade tổng hợp

Nguồn: Investopedia; Sách "Làm giàu từ chứng khoán"; và Tradingreviewers.com.