Rủi ro tồn tại tất yếu trong quá trình đầu tư
Rủi ro hiểu theo nghĩa là yếu tố không may mắn gây thiệt hại tồn tại như một tất yếu trong cuộc sống nói chung và trong quá trình đầu tư nói riêng. Rủi ro là yếu tố đan xen giữa khách quan và chủ quan, phụ thuộc vào bản thân mỗi thực thể cũng như vị trí và hoàn cảnh của thực thể đó. Vậy, nếu đã xem là yếu tố tất yếu thì chúng ta cần làm thế nào, dùng thái độ nào để đối mặt với rủi ro và tiến tới giảm thiểu rủi ro.
Con người trong cuộc sống luôn có ý thức với những rủi ro bất trắc, tuy nhiên, với ý chí khao khát sống và mưu cầu hạnh phúc, sâu thẳm con người luôn đấu tranh để chiến thắng nó. Đó có thể là cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại sự tàn phá bất ngờ của thiên tai, của bệnh dịch hoặc cũng có thể là những tai ương từ cướp bóc, trộm cắp. Nguy cơ của các dạng rủi ro này ngày càng đa dạng và sự ý thức của con người cũng ngày càng được nâng cao.
Riêng với lĩnh vực đầu tư, rủi ro có đặc thù tồn tại song hành với các cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong mỗi vị thế, mỗi thời điểm, vì thế, việc ưu tiên kiểm soát rủi ro luôn được đưa lên hàng đầu. Rủi ro trong đầu tư được xác định chính là khả năng mất hoặc xói mòn nguồn vốn.
Cũng vì thế, khi tham gia thị trường tài chính, ta có thể bắt gặp các câu nói kinh điển từ các nhà đầu tư huyền thoại, xuất phát từ ý thức nhận thức tôn trọng cao độ với các rủi ro có thể xảy ra:
1. Quy tắc số 1 là không để mất tiền. Quy tắc số 2 là không được quên quy tắc số 1. Đó là tất cả các nguyên tắc cần có - Warren Buffer.
2. Chúng tôi cho rằng yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất đối với mọi nhà đầu tư là bảo toàn vốn - Selth Klarman.
3. “Bạn đúng hay bạn sai không quan trọng, điều quan trọng là bạn kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai” - Gerge Soros.
4. “Nếu bạn không tôn trọng rủi ro, cuối cùng nó sẽ quật ngã bạn” - Larry Hit.
Nhà đầu tư luôn phải nhận thức để tìm cách đối mặt và phòng tránh thông qua việc định lượng đo lường hòng đảm bảo thành quả của quá trình đầu tư lâu dài. Dưới đây, tôi sẽ điểm qua một số rủi ro phổ biến mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi tham gia đầu tư tài chính nói chung và cổ phiếu nói riêng.
1. Rủi ro hệ thống
Rủi ro hệ thống là rủi ro liên quan đến môi trường trường kinh doanh chung, xuất phát từ tác động chung của nền kinh tế đến toàn bộ thị trường. Đó có thể là các rủi ro liên quan đến lãi suất, lạm phát, tiền tệ, chính sách xã hội hoặc sự kiện chính trị bất ngờ và chúng tác động trực tiếp đến sức khỏe tài chính và tình hình quản trị của mỗi công ty.
Sự kiện bất ngờ như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với các đòn áp thuế cũng làm chao đảo nền tài chính toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản đầu tư. Hay sự kiện đại dịch Covid 19 bùng phát làm gia tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng, khiến giá cả nguyên vật liệu, sản phẩm dịch vụ biến động và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành nghề trong thời gian qua.
Một minh chứng cho tác động của dịch bệnh đến các ngành nghề có thể được quan sát thông qua đà tăng trở lại của các cổ phiếu vận tải biển và ngành đạm trong tình hình đại dịch hiện nay, cụ thể:
- Dịch Covid đã xảy ra từ giữa năm 2020 đến nay dẫn đến tình trạng container bị tồn đọng, kéo dài thời gian luân chuyển. Uớc tính thời gian luân chuyển bình quân một chu kỳ hay một chuyến của container đã tăng thêm từ 20% đến 30%, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt vỏ container và tàu chở container trên toàn thế giới. Mà vỏ container và tàu container thì không thể sản xuất trong một thời gian ngắn để bù đắp ngay được. Bên cạnh tác động của dịch bệnh, việc liên tục xảy ra các hiểm họa khó lường của thiên nhiên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động vận tải container toàn cầu, gây nên mất cân bằng giữa cung – cầu và dự đoán sẽ còn kéo dài cho đến khi thế giới khống chế được dịch (giữa năm 2022). Do vậy dự đoán giá cước vận tải vẫn sẽ ở mức cao đến cuối năm 2022.
- Sự gián đoạn sản xuất do dịch Covid gây ra đã khiến giá gạo Việt Nam tăng mạnh trong năm 2020 và đầu năm 2021, thúc đẩy gieo trồng và nhu cầu sử dụng phân bón. Trong khi đó, nguồn cung phân bón từ các thị trường nhập khẩu truyền thống giảm sút do đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá phân bón tăng. Hiệu ứng kép giá tăng và sản lượng tiêu thụ tăng đã thúc đẩy kết quả kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh - sản xuất phân bón.
Các chính sách về lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đầu tư vào thị trường, tương quan lợi nhuận giữa các kênh đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Yếu tố này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến các khoản đầu tư của nhà đầu tư.
Khi một trận ''động đất tài chính'' ập đến thì dù bạn ở đang trên những con sóng dài đầy hưng phấn hay đang trú ẩn trong những cổ phiếu với nền tảng kinh doanh tốt thì không có điều gì đảm bảo rằng tài khoản của bạn không bị những tổn thất. Điều quan trọng là bạn cần ý thức được rủi ro này và phòng tránh bằng các biện pháp cụ thể như đa dạng hóa danh mục đầu tư và xây dựng các đo lường cảnh báo xác suất của rủi ro này.
2. Rủi ro thanh khoản
Tính thanh khoản của chứng khoán là khả năng chuyển đổi dễ dàng từ tiền sang chứng khoán và ngược lại. Rủi ro thanh khoản là sự bất ổn của chứng khoán khi điều kiện giao dịch thay đổi.
Rủi ro thanh khoản thường xảy ra trong giai đoạn thị trường cực đoan, các nhà đầu tư bán bất chấp bằng mọi giá. Trong trường hợp này các nhà đầu tư chỉ có thể ngồi nhìn giá cổ phiếu rơi cho đến khi lực cầu xuất hiện đẩy lùi tâm lý bán tháo.
Điều này còn thường xảy ra với các cổ phiếu có thanh khoản thấp khi mà các yếu tố cung cầu có nguy cơ bị thao túng và chi phối. Do đó tiêu chí về thanh khoản là một yếu tố quan trọng để nhà đầu tư xem xét trong quá trình ra quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một cổ phiếu thanh khoản thấp mang yếu tố tiềm ẩn rủi ro nhưng cũng có tiềm năng tăng giá trong các thị trường đầu cơ mạnh khi dòng tiền được thu hút.
3. Rủi ro kiểm toán và từ nội tại doanh nghiệp
Nhìn chung, một nhà đầu tư mới thường không có nhiều thời gian để theo dõi và tìm hiểu về doanh nghiệp cũng như khó có thể tiếp cận đầy đủ các thông tin của doanh nghiệp một cách kịp thời và nhanh chóng. Thậm chí, những nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng phải tiếp cận doanh nghiệp gián tiếp thông qua các báo cáo tài chính và chủ yếu xem xét tính phù hợp các khoản mục chứ không thể tiếp cận các chứng từ hóa đơn, được trực tiếp tham quan nhà xưởng hay trò chuyện với doanh nghiệp. Điều này làm phát sinh rủi ro từ việc thiếu thông tin và thiếu chuẩn mực trong quy trình ra quyết định đầu tư.
Các chiêu trò gian lận báo cáo tài chính như các cạm bẫy với các nhà đầu tư nóng vội thiếu kiên nhẫn. Để hạn chế các rủi ro này, nhà đầu tư cần nâng cao năng lực đánh giá thông qua việc hình thành bộ tiêu chí đầu tư của bản thân, mở rộng phạm vi tìm hiểu trực tiếp về doanh nghiệp và cẩn trọng xem xét toàn diện các báo cáo từ doanh nghiệp. Qua quá trình tầm soát lâu dài, các rủi ro nội tại này sẽ được giảm dần, song hành với quá trình tăng năng lực nhận biết rủi ro tiềm ẩn của nhà đầu tư.
Bất cứ thái độ nóng vội và thiếu tôn trọng với các rủi ro đều có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Điều tôi muốn nhắn gửi qua bài viết này tới những nhà đầu tư mới tiếp cận thị trường tài chính đó là: rủi ro luôn là yếu tố tồn tại tất yếu, do đó, điều cần làm là luôn ý thức và tôn trọng các rủi ro trước khi có thể gia tăng lợi nhuận bền vững.