Tìm hiểu về tự do tài chính - Part 1
Mình sẽ đầu tư, sẽ tự do tài chính, sẽ đi du lịch bất kỳ đâu, sẽ sắm sửa bất cứ những gì bố mẹ muốn... Vô vàn những viễn cảnh màu hồng trong tương lai mà chúng ta thường hay nghĩ đến. Tuy thế, phần đông chỉ dừng lại ở việc mơ mộng, một số khá hơn sẽ cố gắng tiết kiệm chi tiêu và kiếm thêm thu nhập. Thực ra không có ai sai cả, chỉ là mình nghĩ rằng, việc hiểu rõ ràng thế nào là tự do tài chính, vì sao mình phải đạt được nó, và bằng cách nào để đi đến mới là điều quan trọng.
Khái niệm "Tự do tài chính"
Từ nhỏ, mình chỉ biết mỗi khái niệm mà đa số mọi người đều biết, đó là "giàu có". Nó khá mơ hồ, chỉ biết là người giàu là người có nhiều tiền, nhà lầu xe hơi sang trọng... Và mình cũng hiểu thế, mình chăm chỉ để kiếm được nhiều tiền hơn, mục đích để đến gần với sự "giàu có" đó.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp và đi làm một thời gian, mình bị vướng trong một cái vòng luẩn quẩn mà bạn có thể sẽ khá là quen thuộc. Giả sử, mỗi tháng mình kiếm được 10 triệu VNĐ, thì cứ cuối tháng, mình thấy số tiền nó bay đi đâu hết! Mà mình cũng có chơi bời, tiêu xài gì lung tung đâu? Mình thầm nghĩ, chắc là do mình kiếm chưa đủ, thôi cố 15 triệu/tháng vậy. Và các bạn đoán sao?
Vâng, kết quả không khá gì hơn so với lúc mình kiếm được 10 triệu/tháng cả - cuối tháng số dư tài khoản luôn ở mức gần cạn kiệt. Sau khoảng một năm như thế, mình dần nhận thức về vấn đề đang diễn ra, và bắt đầu lo lắng, một cách nghiêm túc, về "cái gai" mà mình cần phải xử lý này. Tiếp tục tìm hiểu, mình lờ mờ đoán được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nằm ở việc mình không hề có một chút kiến thức gì về tài chính (xuất thân mình là dân IT), đặc biệt là tài chính cá nhân. Và số phận đưa đẩy mình tới với series "Cha giàu, cha nghèo" của Robert T. Kiyosaki.
Khi đọc những chapter đầu tiên của quyển 1, mình đã cười, cười suốt cả ngày hôm ấy. Vì mình bị sốc, sốc về mindset (mình tạm dịch là cách tư duy). Thế nào là thực sự giàu có? Thế nào là tự do tài chính?
Thì với những gì mình hiểu từ quyển sách của Robert T. Kiyosaki và kết nối với những kiến thức mình có, tự do tài chính có một định nghĩa đơn giản đến bất ngờ. Đó là "Bạn có đủ tiền để không cần phải làm việc đến hết đời, với một mức chi tiêu mà bạn mong muốn". Để mình đưa ra một ví dụ cụ thể nhé:
- Một mức chi tiêu mà mình mong muốn: Khi đã có gia đình, mỗi ngày mình mong muốn chi tiêu hết khoảng 10 triệu VNĐ.
- Số ngày từ giờ đến hết đời: Giả sử mình 24 tuổi, sống đến thọ đến 80 tuổi chẳng hạn, thì con số sẽ là (80 - 24)*365 = 20.440 ngày.
Vậy số tiền tối thiểu để mình có thể tự do về mặt tài chính sẽ là: 20.440 * 10.000.000 = 204.400.000.000. Là 204 tỷ 400 triệu VNĐ đó bạn biết không? Đó là mình còn chưa tính đến các chuyện như lạm phát gia tăng hoặc các biến cố như COVID hiện nay, con số này có thể sẽ phải nhỉnh hơn nữa.
Với số tiền ở trên, bạn được phép nói câu "F*** you, money". Bạn sẽ không bị lệ thuộc vào tiền! Các quyết định của bạn sẽ không bị chi phối bởi vấn đề cơm áo gạo tiền nữa! Sống bất cứ ở đâu, làm bất cứ thứ gì bạn thích đến hết đời. Bạn tự do.
Q&A trên con đường tự do tài chính
Và đây là mục Q&A trên con đường dẫn tới tự do tài chính:
Q: Cứ có thật nhiều tiền là mình sẽ đạt được tự do tài chính sao?
A: Hoàn toàn sai lầm nếu bạn hiểu rằng khi có tiền đủ nhiều, bạn ắt sẽ có tự do! Có khá nhiều người tiền đếm không xuể, nhưng họ đâu có sự tự do, muốn dừng lại cũng đâu có được. Tự do là thứ thực sự xa xỉ, cũng là đặc ân bậc nhất của chủng tộc Homosapiens chúng ta. Thứ chúng ta nên theo đuổi thực sự, có lẽ chăng đó chính là sự TỰ DO?
Q: Mình đang không có gì trong tay cả, và mình mong muốn đạt được tự do tài chính thì có quá khó không?
A: Ồ, một câu hỏi rất thông minh đấy nhé! Bức tranh tự do tài chính là ngọn hải đăng mà bạn muốn hướng tới. Và để đi đến cuối con đường đó, ta sẽ "chia để trị"! Theo cuốn "Tiền làm chủ cuộc chơi" của Tony Robbins, có 4 cột mốc chính để ta chinh phục dần dần:
a. An toàn tài chính: Có được số tiền để ta đủ sống trong vòng một năm mà không cần phải làm việc với những nhu cầu thiết yếu (ăn uống, nhà cửa, đi lại…).
b. Đảm bảo tài chính: Có được số tiền để ta đủ sống đến hết đời mà không cần phải làm gì với các nhu cầu thiết yếu và 50% các tiện nghi (trang phục, ăn uống sang chảnh, giải trí...).
c. Độc lập tài chính: Có được số tiền để ta đủ sống đến khi ta ra đi mà không cần phải làm việc và vẫn đảm bảm đầy đủ nhu cầu thiết yếu và tiện nghi như hiện tại.
d. Tự do tài chính: Có được số tiền để ta đủ tận hưởng cuộc sống với mức sống ta mong muốn đến khi chia tay cõi đời mà không cần phải làm việc. Đây là đích đến, là trạng thái ta sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi tiền, nó chỉ còn là một công cụ để phục vụ những mục tiêu khác của ta.
Q: Vậy, mình chỉ có thể đạt được tự do tài chính nếu mình là người chủ, sáng lập của một doanh nghiệp hay sao?
A: Theo tác giả Kiyosaki, thì bạn chỉ có thể đạt được tự do tài chính nếu bạn thuộc nhóm 3 và 4 của Kim Tứ Đồ, tức là hoặc bạn làm chủ doanh nghiệp, hoặc bạn là một nhà đầu tư chuyên nghiệp. Với góc nhìn cá nhân, mình không đồng tình với quan điểm này cho lắm. Mình đã từng thấy những người không hề thuộc hai nhóm kia, họ thuộc nhóm 1 và 2 - người làm công, làm thuê hoặc làm tự do, vẫn đạt được tự do tài chính. Tuy nhiên, mình phải công nhận là nếu bạn đủ tố chất và khả năng để nằm trong nhóm 3 và 4, thì con đường đi đến tự do tài chính của bạn may chăng sẽ dễ dàng hơn hai nhóm còn lại.
Câu trả lời cho câu hỏi tại sao
Khi đã hiểu rõ về tự do tài chính, bạn có mong muốn đạt được nó không? Với mình thì cực kỳ chắc chắn! Mình sẽ đạt nó bằng được! Theo chiêm nghiệm và tìm hiểu của bản thân, 80% vấn đề trong cuộc sống, gần như xuất phát từ vấn đề tài chính mà ra. Đặc biệt là trong thời điểm COVID đã xảy ra hơn một năm nay, thì các bạn ắt hiểu, tài chính nó quan trọng đến mức nào.
Những ngày tháng 8 này, mỗi ngày Việt Nam có trung bình hơn 300 ca tử vong, và hơn thế là tình cảnh khốn khổ của người dân khắp nơi. Mấy tháng qua, Covid19 đã vắt kiệt nguồn tài chính của họ, và đôi khi họ phải làm liều chỉ để kiếm một bữa cơm cho gia đình. Do đó, mình mong bạn hãy thực sự có một câu trả lời cho câu hỏi TẠI SAO này, để sau này, lỡ có đại dịch hoặc biến động lớn xảy ra, thì sẽ không vì vấn đề tài chính mà phải đưa ra những quyết định khó khăn.
Key Takeaways 🔑
Và dưới đây, với mình, là những điều quan trọng đáng lưu tâm:
- Trước khi bắt đầu vào một thứ gì đó, hãy hiểu đúng nó là gì. Đúng, đầu tư là một trong những cách dẫn ta đến con đường tự do tài chính, nhưng trước đó, hãy hiểu đúng khái niệm tự do tài chính là gì!
- Tự do tài chính chỉ là một khía cạnh trong tổng thể hoàn thiện của chữ TỰ DO. Thứ mà ta thực sự nên theo đuổi, chính là sự TỰ DO.
- Hãy tự tìm câu trả lời cho câu hỏi của bạn - VÌ SAO tôi lại phải đạt được tự do tài chính?
Phần tiếp theo của series Tự do tài chính, mình sẽ đi sâu và cụ thể hơn về cách để bạn có thể giao thông trên con đường này. Hãy đón chờ mình nhé!
Cuối cùng, xin tặng các bạn một câu nói mà mình rất tâm đắc của Warrent Buffett: "If you don't find a way to make money while you sleep, you will work until you die!" Tạm dịch là: Nếu bạn không kiếm được tiền ngay cả khi bạn ngủ, bạn sẽ phải làm việc cho đến cuối đời.
Nếu bạn cảm thấy bài viết này hay và bổ ích cho các bạn, mình mong các bạn hãy chia sẻ nó tới cho thật nhiều người, đặc biệt là những người thương của mình. Để chúng ta có thể cùng nhau đi tới con đường tự do tài chính nhé!
Hẹn gặp các bạn ở Tìm hiểu về tự do tài chính - Part 2 nhé!