Trung bình giá lên và trung bình giá xuống
Có thể nói, kiểm soát rủi ro luôn là yếu tố quan trọng bậc nhất trong đầu tư và là chìa khóa giúp nhà đầu tư tạo ra lợi nhuận bền vững.
Trong thị trường biến động, luôn tiềm tàng các yếu tố bất định khi mà các đọt sóng lớn của lòng tham và sự sợ hãi luôn chực chờ để đánh chìm các nhà đầu tư.
Đầu tư tài chính vốn dĩ được coi như một lĩnh vực mang đậm tính cá nhân. Các phương pháp đầu tư, dù là kinh điển, đều có tính tùy biến, phụ thuộc vào kinh nghiệm cũng như tâm lý của mỗi người.
Bởi vậy, thật không dễ dàng gì để các nhà đầu tư có thể kiên định với một kế hoạch hành động nhất quán được đặt ra từ lúc ban đầu.
Có rất nhiều câu nói hay về quản trị rủi ro được đúc rút từ cuộc đời đầu tư của các nhà đầu tư vĩ đại:
1. “Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền. Nguyên tắc số 2: Không bao giờ quên nguyên tắc số 1” - Warrren Butffet.
2. “Luôn giới hạn mức thua lỗ tối đa 7 – 8% so với giá mua vào, không có ngoại lệ” - William O’Neil.
Cho dù có hiểu và ý thức cao độ về quản trị rủi ro, cho dù có luôn nằm lòng những lời khuyên của các bậc thầy, các nhà đầu tư cá nhân luôn gặp nhiều trở ngại trước nhiệt độ lúc nóng lúc lạnh của thị trường, dẫn đến những thời điểm hoang mang không biết đi đâu về đâu.
Trong bài viết này, tôi xin được giới thiệu về phương pháp bình quân giá lên và bình quân giá xuống để các nhà đầu tư cùng tham khảo. “Không bao giờ thử độ sâu của dòng sông bằng cả hai chân” - đó là cách phương pháp bình quân giá hướng đến.
1. Bình quân giá xuống
DCA (Dollar-Cost Averaging) là chiến lược trung bình giá, hay trung bình chi phí đầu tư nhưng không chỉ đơn thuần là cứ khi nào cổ phiếu xuống thì mua.
Điều này có nghĩa là nhà đầu tư mua cổ phiếu với giá trung bình bằng cách phân bổ nguồn vốn và mua thành nhiều đợt nhiều giai đoạn sau khi xem xét cẩn trọng những yếu tố về giá cả, loại cổ phiếu, diễn biến thị trường trong ngắn hạn hoặc dài hạn.
Lợi thế
- Giảm thiểu rủi ro so với mua một lần: Dù thị trường biến động tăng hay giảm thì tổng nguồn vốn của nhà đầu tư vẫn luôn đảm bảo ở mức trung bình, nhờ vậy giảm đáng kể áp lực rủi ro so với trường hợp mua một lần và thị trường biến động lớn ngay sau đó. Không ai dự đoán chính xác 100% những biến động ngắn hạn và những sự kiện “rủi ro thiên nga đen” trên thị trường.
- Hạ được giá vốn bình quân và có cơ hội mua thêm được cổ phiếu giá thấp hơn khi thị trường biến động. Nắm giữ các cổ phiếu tốt với mức giá có biên an toàn dày cũng giúp nâng cao lợi thế đầu tư dài hạn qua nhiều giai đoạn thị trường.
- Học được cách tiết kiệm khi bổ sung vốn định kỳ vào danh mục đầu tư và gia tăng mua trong các thị trường giảm giá.
- Gia tăng hiệu suất đầu tư: Các nhà đầu tư bình quân giá xuống thường đạt được hiệu suất cao với các thương vụ thành công và có cơ hội nắm bắt các khoản đầu tư sinh lời ổn định bởi họ dành nhiều thời gian và công sức cho việc tìm kiếm các doanh nghiệp tốt.
Bất lợi
- Thua lỗ lớn khi nhầm lẫn trung bình giá với bắt đáy cổ phiếu. Nếu trung bình giá có xuất phát điểm từ định giá doanh nghiệp thì bắt đáy khởi nguồn từ tâm lý FOMO tham lam, dẫn đến đi ngược xu hướng hiện tại của thị trường. Do đó, khác biệt cơ bản giữa nhà đầu tư trung bình giá và nhà đầu tư bắt đáy là tính kỷ luật và sức bền khi diễn biến giá đi ngược dự tính.
- Thanh khoản giảm khi nguồn vốn rơi vào các thương vụ thua lỗ tạm thời. Bởi vậy, nếu theo đuổi phương pháp đầu tư trung bình giá, cần sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi, tránh dùng nguồn tiền vay mượn.
- Áp lực tâm lý lớn. Các cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu có tính chu kì, có thể ở dưới mức định giá trong thời gian dài. Các mức suy giảm 20%-30% tài khoản có thể xảy ra trong nhiều trường hợp.
- Đặc điểm cơ bản của doanh nghiệp thay đổi khi nhà đầu tư đã trung bình giá vốn và đang chịu mức thua lỗ. Doanh nghiệp với các yếu tố nội tại được đặt trong một bức tranh tổng thể của ngành và nền kinh tế.
- Đôi khi bạn chỉ nhìn được một phần (lớn hoặc nhỏ) của bức tranh đó, sự thay đổi của một yếu tố trọng yếu có thể xảy ra và làm thay đổi các đánh giá ban đầu của bạn về doanh nghiệp.
Lưu ý cần khi áp dụng phương pháp này
- Có hiểu biết rõ về yếu tố nền tảng kinh doanh của doanh nghiệp: giá trị nội tại và tiềm năng của doanh nghiệp.
- Xác định mức biên an toàn đủ lớn và mức định giá hấp dẫn.
- Khoảng cách giữa các đợt mua nên đủ dài về cả thời gian và chênh lệch giá để tránh yếu tố FOMO ngắn hạn.
- Phù hợp với các nhà đầu tư trung và dài hạn và không sử dụng nợ vay và ít ảnh hưởng tâm lý bởi các diễn biến ngắn hạn.
- Phương pháp này là phương pháp ưa thích của các nhà đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng với am hiểu sâu về doanh nghiệp và đảm bảo trường vốn.
2. Bình quân giá lên
Bình quân giá lên là việc nhồi thêm lệnh và gia tăng vị thế cùng chiều với lệnh ban đầu khi lệnh giá chạy đúng xu hướng, kế hoạch ban đầu và có lãi.
Xem xét một cách đơn thuần thì cách thực hiện của phương pháp này trái ngược lại với phương pháp bình quân giá xuống nhưng về triết lý đầu tư thì lại có những tiêu chí chung giống nhau. Phương pháp này tận dụng xu hướng thị trường và đi theo xu hướng (following trend).
Có rất nhiều nhà đầu tư theo đuổi phương pháp này bởi đặc tính chủ động và linh hoạt của nó. Các câu nói nổi tiếng được.
- “Triết lý của tôi là tất cả cổ phiếu đều xấu. Không có cổ phiếu nào tốt trừ khi chúng tăng giá. Nếu các cổ phiếu giảm giá, bạn phải cắt lỗ thật nhanh. Ôm chặt lỗ là một trong những sai lầm chết người của hầu hết mọi nhà giao dịch” - William O’Neil.
- “Học cách thua lỗ. Điều quan trọng nhất khi kiếm tiền là không được để khoản lỗ nằm ngoài kiểm soát của bạn” - Marty Schwartz.
- “Bạn có thể thua lỗ nhỏ nhưng thua lỗ lớn chắc chắn là lựa chọn của bạn” – Mark Miniverni.
Lợi thế
- Lỗ tiềm năng nếu sai thời điểm và cổ phiếu ở mức thấp vì quy mô vị thế ban đầu ở mức trung bình nhỏ so với tổng tài khoản.
- Tính thanh khoản tốt vì thường tỷ trọng lớn chỉ khi tài khoản có lãi và nhà đầu tư có thể chủ động rút khỏi thương vụ đầu tư bất cứ thời điểm nào.
Bất lợi
- Mức lãi lỗ đảo chiều nhanh nếu xu hướng giá đảo chiều vì giá vốn trung bình ở mức cao.
- Rủi ro sẽ gia tăng nếu đầu tư vào giai đoạn cuối của xu hướng tăng và giai đoạn cuối của một thị trường tăng giá.
- Vẫn có thể rơi vào thua lỗ nếu thị trường rơi vào trạng thái cực đoan như giảm giá không thanh khoản mặc dù trường hợp này ít xảy ra.
Lưu ý cần khi áp dụng phương pháp này
- Cần có hiểu biết và phân tích kỹ thuật để xác định các giai đoạn thị trường và giai đoạn cổ phiếu để tìm kiếm các pha tăng đủ dài. Đồng thời có thể mua ở các nền giá có lực xu hướng tốt nhằm tránh rủi ro giảm giá ngắn hạn.
- Cần có hiểu biết về doanh nghiệp để xác định được động lực tăng giá của cổ phiếu cũng như tránh các rủi ro lớn liên quan đến các yếu tố định lượng như quản trị.
- Cần có kỷ luật tốt để có thể cắt lỗ khi sai lầm vì tiêu chí quản trị rủi ro của phương pháp dựa nhiều vào tính kỹ thuật đồ thị và mức độ tăng giảm của giá.
- Cần phân bổ tỷ trọng phù hợp và linh hoạt để cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận. Mức tỷ trọng quá nhỏ ban đầu có thể giảm đáng kể lợi nhuận tiềm năng nếu giá đi đúng dự đoán.
3. Kết luận
Dù là phương pháp nào thì các nhà đầu tư đều hướng đến thấu hiểu doanh nghiệp và thấu hiểu thị trường, đồng thời có niềm tin khách quan vào giá trị của việc đầu tư trong việc giải phóng con người khỏi áp lực tài chính.
Ngoài ra, việc thấu hiểu bản thân sẽ giúp cho nhà đầu tư làm chủ được cảm xúc, tránh rơi vào tình trạng tham lam hay sợ hãi, tôn trọng sự vận động chung song hành với việc gìn giữ đặc điểm và triết lý đầu tư riêng có.
Chỉ khi có đồng thời cả ba sự thấu hiểu và tôn trọng đúng mức với doanh nghiệp, thị trường và bản thân mình, nhà đầu tư mới có được sự nhất quán trong tư duy cũng như nguyên tắc đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận bền vững.