Vay tiền đầu tư chứng khoán: Đời không như là mơ!
Câu chuyện bắt đầu từ việc một bà mẹ có một khoản tiền nhàn rỗi. Bài thường gửi số tiền đó vào ngân hàng để lấy lãi suất tiết kiệm định kỳ.
Một ngày đẹp trời nọ, bà nói với con trai – vốn là bạn thân của tôi, rằng: “Mẹ có vài trăm triệu gửi ngân hàng, nếu con có dùng thì cứ lấy, chỉ cần trả lãi theo mức ngân hàng là được”.
Thằng bạn đem câu chuyện này kể cho tôi – một nhà đầu tư tay mơ với 1-2 năm kinh nghiệm. Ôi chao, nghe nói đến một cục tiền to, tôi lại chả như cá gặp nước.
Ngỏ ý vay ngay phút mốt, vì so với việc tăng tới trần 7%, 10%, 15% một ngày, mức lãi suất ngân hàng trung bình 0,5%/tháng có đáng là bao. Chỉ cần mỗi tháng “ăn” được một vài phiên, tôi dư sức để trả lãi, cùng lắm là huề vốn.
Hành trình lướt sóng bắt đầu…
Trong nhóm ngành ngân hàng, tôi mê nhất em SHB (Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội). So sánh em này với STB (Ngân hàng Sacombank), thì các chỉ số của em được coi là tuyệt hảo.
Báo chí đưa tin về em như một hoa hậu tiềm năng. Không chỉ có thế, em thuộc quyền điều hành của bầu Hiển, một người có năng lực và tài lực, lại cực kỳ uy tín trong giới doanh nhân.
Vì mê thế nên tôi quyết định tất tay SHB với toàn bộ số tiền vừa vay nóng 100 triệu. Chiến lược mua được vạch ra hẳn hoi: chia bình quân giá làm 3 phần, càng xuống càng mua, cổ phiếu tốt mà có gì phải sợ.
Không hiểu vì lý do gì, tôi càng mua vào, thị giá SHB càng đi xuống. Giai đoạn tích lũy khá dài không có bất cứ tín hiệu tăng giá nào, tôi rút ruột rút gan bán đi toàn bộ số cổ phiếu, trong áp lực phải trả lãi hằng tháng.
Cắt lỗ ở con số âm 25%, để rồi chỉ một năm sau, thị giá SHB đã tăng lên gấp hai gấp ba, và tới thời điểm hiện tại nó đã x4 so với giá mà tôi cắt lỗ, đánh dấu lần thua đậm nhất của tôi tính theo điểm phần trăm.
Kết cục thảm bại và bài học rút ra
Mọi phân tích đều đúng theo phương pháp 4M (Meaning - Ý nghĩa; Moat - Lợi thế cạnh tranh; Management - Quản lý; và Margin of Safety - Biên độ an toàn) để chọn ra một cổ phiếu tốt, nhưng tôi đã thua trong cuộc chiến tâm lý mà người chiến thắng không ai khác là gã thị trường.
Hơn bao giờ hết, tôi thấm thía câu nói: “Phần lớn người chiến thắng trên thị trường chứng khoán là những nhà tâm lý, chứ không phải người làm kế toán”. Nghĩa là, để chiến thắng thị trường, có kiến thức thôi vẫn chưa đủ, bạn cần có bản lĩnh để vượt qua mọi thử thách.
Nhờ trận thua này, mà từ đó trở đi tôi không vay tiền để đầu tư chứng khoán. Tôi chỉ dùng khoản tiền tiết kiệm nhàn rỗi của mình để đầu tư, vừa đầu tư kiếm khoản lợi nhỏ, vừa học hỏi thị trường và tích lũy kinh nghiệm từng ngày.
Tôi biết kinh nghiệm 5 năm hay 10 năm vẫn còn quá khiêm tốn so với thị trường chứng khoán mênh mông người giỏi về tài chính. Để nằm trong top 5% người chiến thắng thị trường, bạn phải trau dồi kiến thức lẫn kĩ năng giao dịch mỗi ngày.
Tiền không từ trên trời rơi xuống, nó có được từ kiến thức, kinh nghiệm và thời gian bạn đã bỏ ra để đánh đổi mà có được.
Đạt V
* Bài viết được tác giả gửi đến cho chuyên mục: “TÂM SỰ CHỨNG KHOÁN”
Chủ đề: Những kỷ niệm đáng nhớ nhất của bạn với thị trường chứng khoán?
⌛ Thời hạn gửi bài: Từ 1/11/2021 đến 30/11/2021
✍️ Độ dài: 500-2000 từ
🔥 Gửi tâm sự ở đây bạn nhé: https://bit.ly/TamSuChungKhoanT11
💰 Mỗi bài viết được đăng tại https://blog.dnse.com.vn/ sẽ nhận được tiền nhuận bút cực xịn cũng như những phần quà bất ngờ đến từ DNSE!
Còn chần chừ gì nữa mà không tham gia ngay nào các bạn!