Vì sao khi có "biến căng" thị trường lại giảm!
Hệ cô lập dễ biến đổi
Có lẽ không ai trong chúng ta không từng thấy lạ về những thời điểm cả thị trường giảm sâu, giảm mạnh đến kinh ngạc.
Một trong những điểm chung dễ nhận thấy đó là, cứ mỗi khi có một luồng tin tức tiêu cực nào đó, cho dù nó có liên quan trực tiếp hoặc không, đều có tác động không nhỏ tới thị trường.
Phân tích về bản chất, có thể thấy thị trường chứng khoán là một hệ cô lập dễ biến đổi. Cô lập biểu hiện ở việc trạng thái của hệ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các tác nhân bên trong hệ, không phụ thuộc vào yếu tố khác bên ngoài.
Do đó, cùng một hành động bất kỳ nhưng tại những thời điểm khác nhau, luôn cho ra kết quả không giống nhau. Điều này trái ngược với hệ cô lập nhưng ổn định, nơi mà một hành động sẽ cho ra kết quả giống nhau ở bất cứ thời điểm nào.
Thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Ngoài yếu tố khách quan là cung cầu thị trường, còn có một yếu tố chủ quan nhưng không kém phần quan trọng là quyết định của nhà đầu tư.
Chính hành động cuối cùng của mỗi nhà đầu tư dẫn đến biến đổi trạng thái của thị trường tốt lên hay xấu đi. Nói nôm na thì chính việc khớp lệnh của nhà đầu tư khiến chỉ số VNIndex tăng lên hoặc giảm xuống.
Tâm lý “thoát hàng”
Chúng ta đều rõ rằng, mọi yếu tố đều có quan hệ hữu cơ với nhau, có mối ràng buộc qua lại ảnh hưởng lẫn nhau. Vậy thì điều gì khiến nhà đầu tư lao đao mỗi khi có "biến căng"?
Hãy thử xem xét các yếu tố gần gũi hơn trong mỗi lần ra quyết định của nhà đầu tư. Tại thời điểm đó họ đang trong trạng thái tinh thần như thế nào?
Thực tế cho thấy, cứ có “biến” xấu là thị trường lại giảm, bất chấp sự kiện đó có ảnh hưởng trực tiếp tới những nhóm ngành mà nhà đầu tư sở hữu hay không.
Có lẽ nhận định chung của đa số là "thoát hàng" càng sớm càng tốt. Chính vì lẽ đó mà cung vượt quá cầu, dẫn tới thị trường lao dốc.
Vậy tâm lý "thoát hàng" từ đâu sinh ra? Dễ thấy nhất chính là những trải nghiệm trong quá khứ. Kinh nghiệm từ những sự kiện trước để lại, cho thấy rằng mỗi lúc như thế thị trường đều giảm, vậy nên tốt nhất là thoát sớm.
Nhưng chúng ta quên mất rằng, chính những hành động như vậy vô hình trung lại khiến chúng ta cùng kéo nhau xuống đáy. Ví như đổ cua vào chậu, chẳng cần đậy nắp mà không một con nào có thể bò ra được.
Tâm lý con người đơn giản và dễ tổn thương. Một sự kiện nào đó bên ngoài đều có tác động cực kỳ mạnh mẽ tới nó. Có thể ví tâm lý chúng ta như một mặt hồ, bình thường nó tĩnh lặng nhưng có ai đó ném một cục đá xuống, mặt hồ bắt đầu gợn sóng, từng con sóng cứ thế lan ra khắp.
Cứ mỗi đợt sóng đến lại làm ta hoang mang lo lắng. Chúng ta chới với trước những đợt sóng đó, không biết nương tựa, bám víu vào đâu hay là đặt niềm tin vào nơi nào.
Tương tự như thế, khi thấy thị trường cứ lao dốc, ta cũng trở nên hoảng loạn. Làn sóng từ một người lan ra cả thị trường, tạo nên một cú "cắm đầu" ngoạn mục.
Tỉnh táo có làm nên điều khác biệt?
Như đã nói ở trên, yếu tố trực tiếp dẫn tới quyết định của nhà đầu tư không gì khác chính là tâm lý của họ.
Giả sử rằng, khi những sự kiện tiêu cực ấy diễn ra, các nhà đầu tư vẫn tỉnh táo đưa ra quyết định riêng của mình, ví dụ như không bán tháo, thì điều gì sẽ xảy ra?
Chắc chắn mọi thứ sẽ hoàn toàn khác biệt. Khi đó, thị trường sẽ chỉ thay đổi trạng thái khi các yếu tố chi phối nó thực sự thay đổi, tức là sẽ phụ thuộc vào cung cầu thực tế chứ không phải phụ thuộc vào tâm lý nhà đầu tư.
Bởi vậy, thị trường chỉ có thể duy trì được một trạng thái ổn định trong điều kiện tâm lý nhà đầu tư được duy trì ổn định.
Một tâm lý đầu tư dễ tổn thương, dễ dao động trước mỗi sự kiện dù lớn dù nhỏ xảy ra, rất dễ đẩy toàn bộ thị trường cùng lao dốc.
Trên đây là đôi điều mà tôi muốn bày tỏ, dưới góc nhìn tâm lý con người, để nêu ra một vài điểm quan sát được.