Cần những gì để kịp giàu trước khi chưa già – Part 2
Nếu như trong phần 1 tôi đã đề cập đến việc xác định cho riêng mình một mục tiêu tài chính rõ ràng, tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn thu nhập trên cơ sở phát huy tối đa tiềm lực bản thân, thì trong phần 2 này, tôi muốn đặt trọng tâm chia sẻ với các bạn về cách thức phân bổ thu nhập thành các nhóm tài sản thông qua từng Quỹ riêng biệt. Đây là phần mà tôi tâm đắc nhất và cũng mong muốn bạn bắt đầu thực hiện càng sớm càng tốt.
Một cách tự nhiên, khi kiếm được nhiều tiền hơn, bạn sẽ có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn. Kiếm được 1 đồng, bạn chi tiêu theo kiểu 1 đồng, kiếm được 10 đồng thì cũng chi tiêu theo kiểu 10 đồng. Kết quả là, cho dù được tăng lương, tăng thưởng bao nhiêu thì cuối cùng bạn vẫn sống trong tình trạng có tháng nào tiêu hết tháng đó và không bao giờ dư tiền.
Bạn sẽ không muốn cứ phải làm việc quần quật để kiếm tiền nhưng lại chẳng có gì trong tay như vậy đâu. Do đó, ngay từ bây giờ, bạn cần bắt tay vào việc xây dựng cho mình một bộ máy tích lũy của cải tự động hàng tháng bằng cách chia tiền thành nhiều phần.
Ở đây tôi sẽ đưa ra một cách thức rất đơn giản mà tôi đang áp dụng cho chính mình, bạn cũng có thể tham khảo và áp dụng nhé. Nhìn chung, về cơ bản, bạn cần 4 Quỹ chính:
1. Quỹ chi tiêu cơ bản
Sử dụng cho việc đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cơ bản như chi trả tiền nhà, điện nước, ăn uống, đi lại...
Bạn cần tính toán và đặt cho mình một mức chi tiêu tối thiểu hợp lý, loại bỏ hết những khoản chi không thực sự cần thiết. Quỹ này có thể dao động trong khoảng từ 10-20 triệu/tháng, có thể thấp hơn hoặc cao hơn tùy thuộc vào mức sinh hoạt tại nơi mà bạn đang sống.
Tuy nhiên, càng tiết kiệm được chi phí ở đây bao nhiêu thì bạn sẽ có nguồn tiền tích lũy càng nhiều bấy nhiêu. Một khi đã đặt ra mức chi tiêu thì bạn phải đảm bảo tuân thủ và chỉ được phép sử dụng trong phạm vi số tiền đó, không được lấy tiền từ các quỹ khác bù vào.
2. Quỹ dự phòng
Chỉ sử dụng cho tình huống khẩn cấp
Quỹ này chỉ được sử dụng cho những tình huống cấp bách như đột ngột bị mất việc làm, người thân lâm bệnh hoặc chính bạn gặp phải vấn đề sức khỏe nào đó mà tiền ở trong các quỹ khác không đủ để sử dụng.
Mức hợp lý cho một quỹ dự phòng như vậy tối thiểu bằng 6 lần Quỹ chi tiêu cơ bản. Sau này khi có nhiều nguồn tích lũy hơn thì bạn có thể nâng mức tích lũy tại Quỹ dự phòng lên 9 tháng hoặc 12 tháng.
Chẳng hạn, với Quỹ chi tiêu cơ bản là 15 triệu đồng/tháng thì Quỹ dự phòng cần tối thiểu gấp 6 lần, tức là 90 triệu đồng. Số 6 này có ý nghĩa gì, nếu bạn bị mất việc hoặc muốn nghỉ để tìm 1 công việc mới thì bạn sẽ có 6 tháng hoàn toàn sống được trong mức chi tiêu cơ bản bằng Quỹ này.
Hiện nay hầu hết các ngân hàng đều cho phép bạn tạo sổ tiết kiệm online rất đơn giản mà không cần đến quầy giao dịch như cách truyền thống. Do đó, cách làm của tôi là chuyển tiền thành các sổ tiết kiệm kỳ hạn 6 - 12 tháng để đảm bảo không thể rút ra dễ dàng mà tôi lại còn được thêm 1 nguồn thu nữa từ lãi tiền gửi.
3. Quỹ kế hoạch
Sử dụng cho các kế hoạch ngắn hoặc dài hạn mà bạn đặt ra trước đó
Sau khi đã lấp đầy được Quỹ dự phòng, tôi chuyển phần thu nhập tích lũy của mình vào Quỹ kế hoạch.
Đây là Quỹ được sử dụng cho các kế hoạch ngắn hoặc dài hạn đã được đặt ra trước đó, ví dụ như tham gia các khóa học, đi du lịch, mua nhà, mua xe... Nếu chưa có kế hoạch chi tiêu nào cụ thể thì bạn có thể duy trì quỹ này ở mức khoảng 20-30 triệu đồng để sử dụng cho những công việc đột xuất.
Bạn có thể để ở dạng tiền gửi không kỳ hạn hoặc gửi những kỳ hạn ngắn 1-3 tháng tùy vào kế hoạch bạn đặt ra. Bạn thử tìm kiếm và tham khảo các apps cho phép bạn để tiền không kỳ hạn mà vẫn được hưởng lãi suất tương đối tốt đó nhé.
4. Quỹ đầu tư
Một khi nền tảng 3 Quỹ chi tiêu, dự phòng và kế hoạch đã được tạo dựng, đã đến lúc bạn cần nghĩ đến việc dành tiền làm vốn cho hoạt động đầu tư.
Nếu bạn là người mới và chưa nắm được cách thức đầu tư, tôi khuyên bạn nên bắt đầu bằng những khoản đầu tư tương đối ít rủi ro, ví dụ như trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất trái phiếu hiện nay tương đối tốt, thường gấp 1,5 – 2 lần so với lãi suất gửi tiết kiệm với cùng kỳ hạn.
Nâng cấp hơn, bạn có thể mua thêm một số chứng chỉ Quỹ ETFs niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các quỹ này thường mô phỏng theo biến động của một rổ cổ phiếu đáp ứng các tiêu chí về vốn hóa, thanh khoản, chỉ tiêu sinh lời cao trên thị trường, ví dụ chỉ số VN30 hay VN Diamond.
Nếu là người có kiến thức chuyên môn về đầu tư thì hẳn không cần nói nhiều, có vô vàn các kênh đầu tư cho bạn lựa chọn. Bạn có thể chia Quỹ đầu tư của mình thành 3 phần nhỏ hơn để quản lý theo tỷ trọng %, chẳng hạn như:
- Nhóm đầu tư ít rủi ro, bao gồm trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, vàng.(*)
- Nhóm đầu tư rủi ro, bao gồm cổ phiếu, thị trường phái sinh, bất động sản, kinh doanh.
- Nhóm đầu tư mạo hiểm, bao gồm Start-up, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Cryptocurrency.
(*) Hiện nay cũng đã có một số nền tảng cho phép mua bán vàng trực tuyến hợp pháp, nếu chưa có nhu cầu cầm vàng vật lý thì bạn có thể để ở trạng thái nhà bán quản lý hộ. Việc này giúp bạn không cần lo lắng về việc tự bảo quản vàng tại nhà.
Lời kết
Làm đến đây, tuy rằng bạn vẫn còn cách mốc tự do tài chính một đoạn đường nữa, nhưng việc sở hữu một hệ thống tài chính vận hành có lớp lang và được tính toán cụ thể như trên thì phần nào bạn cũng đã có cho mình một tâm thế vững chãi. Hệ thống này cho bạn đủ không gian để vận động trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào hoặc chỉ đơn giản là bỗng một ngày bạn cảm thấy chán công việc hiện tại, bạn cũng có chỗ dựa vững chắc để nộp đơn thôi việc và dành ra một vài tháng để tìm kiếm một công việc mới phù hợp hơn.
Nếu thấy bài viết này hay và bổ ích với bạn, mong rằng bạn sẽ chia sẻ nó cho những người xung quanh để chúng ta có thể cùng nhau vững bước trên hành trình tự do tài chính nhé!
Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe và có nhiều ý tưởng mới!