"Chứng” đã chơi tôi như thế

Không chứng khoán, tôi sống một cuộc đời êm đềm. Tuy thế, tôi dường như vương vất một nỗi buồn, nỗi buồn không được song hành cùng thị trường.

DNSE Blog

Ý trời

Lần đầu tôi biết đến chứng khoán là vào tháng 7 năm 2017. Đó là một buổi tối mùa hè nóng 37 độ. Cái nóng đô thị của Hà Nội cùng với mùi thức ăn ôi thiu từ khu nấu ăn của dãy trọ xộc thẳng vào phòng khiến tôi chẳng thể thở nổi.

Thời tiết nóng bức cùng với tiếng quạt điện cơ 91 cũ kêu ò ò như đàn lợn sề làm tôi mất ngủ. Tôi ra sân suy nghĩ vẩn vơ, bỗng chốc quyết định lên mạng tìm kiếm bí kíp làm giàu, những muốn được mau chóng rời bỏ cuộc sống eo hẹp tồi tàn này.

Tôi lướt trên mọi diễn đàn, xem hầu hết các video và cuối cùng dừng ở bài viết “Tôi đã kiếm 1 triệu USD từ hai bàn tay trắng”. Không còn nhớ rõ nội dung câu chuyện, nhưng tôi ấn tượng bởi chi tiết nhân vật chính làm giàu từ chứng khoán với con số 0.

Đúng vậy, chính câu chuyện đó đã đưa tôi đến với chứng khoán. Tôi đến với chứng khoán vì khả năng kiếm tiền thần kỳ của nó. Tôi muốn kiếm tiền, chỉ có vậy.

Giai đoạn 1: Tìm hiểu thị trường

Sau khi có được động lực to lớn từ câu chuyện làm giàu trên mạng, tôi tìm kiếm ngay cho mình lộ trình làm giàu từ chứng khoán.

Do không có nhiều tiền “chiên chứng”, tôi đã chọn tham gia một CLB chứng khoán sinh viên và lựa chọn cách tiếp cận theo hướng hàn lâm với những cuốn sách như: Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Thị trường chứng khoán, Nhà đầu tư thông minh,...

Sau một tháng tìm hiểu qua sách vở và những người bạn trong CLB, tôi dần có tự tin và quyết định ngày mùng 8 tháng sau sẽ bắt đầu giao dịch.

Giai đoạn 2: Chiến đấu với thị trường

Ngày 08/10/2017, tôi chính thức mua mã đầu tiên là KBC và chốt lời bằng một bát phở sau hai tuần nắm giữ.

Mọi thứ vẫn ổn, tôi vẫn đọc sách, vẫn mua bán theo cảm xúc và kiếm được tiền cho đến khi đu đỉnh MWG ở 144.000đ.

Đấy là lần đầu tiên tôi all-in. Sao mà không all-in được, giá đang rẻ, thị trường đang ngon, kiến thức thì nằm lòng cả rồi.

Đám đông thật ngớ ngẩn, sao lại bán cổ phiếu tuyệt vời như vậy trong khi nó vẫn tiếp tục tăng trưởng, tôi thầm nghĩ và quyết tâm nắm giữ.

Sáu tháng sau, sau nửa năm đi ngược đám đông hung hãn, tôi đã phải trả giá cho hành động dại dột của mình. Tôi chịu một hình phạt với khoản lỗ lên đến -16% tài khoản. Đúng là mọi hành động nghịch ngu đều phải trả giá bằng tiền mặt.

Đau đớn, tức giận, nhục nhã. Trong khi anh em tôi đang kiếm tiền ngon lành từ phân tích kỹ thuật thì tôi thì ôm lỗ. Dằn lòng lại, tôi tìm kiếm con đường mới cho bản thân.

Giai đoạn 3: Tây Âu hay Á Đông?

Tôi trở lại với sách, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật tính ra cũng hòm hòm 100 cuốn. À ha, vitamin tự tin trong tôi đã lại trỗi dậy khi mà kiến thức đông tây kim cổ tôi đã nằm lòng. Tôi nhủ thầm lần này mang ra xài, chỉ có thiên hạ vô đối.

Nói là làm, tôi “xúc” ngay em TTF, HSL và TCH. Trời không phụ lòng người. Tôi lãi to, con này 30%, con kia 50% làm tôi đầy hưng phấn, và rồi all-in ngay em DXG. Lần all-in này tôi tự tin lắm, hệ thống giao dịch được kiểm chứng bởi mấy chục mã rồi cơ mà, sao mà sai được.

Vâng, kết quả đúng như các bạn dự đoán đấy, T2 tôi lỗ ngay 7%, đến T4 đã là lỗ 30%, tôi lẩm bẩm “Xin vĩnh biệt cụ” và… cắt lỗ.

Pha cắt lỗ này đau quá, tôi xuống tinh thần một cách trầm trọng. Điều này khiến tôi quyết định dừng hẳn một thời gian để xem lại vấn đề và tìm hiểu nguyên nhân.

Tôi rà lại các hệ thống mình đã thử, nhận thấy rằng các công cụ đó đều của mấy anh Tây. Chắc không hợp nước hợp cái nên mấy ảnh không nên cơm nên cháo gì ở Việt Nam.

Tôi nhanh trí tìm ngay một công cụ khác của người Á Đông để dùng. Bạn đoán đúng rồi đấy, nó là Ichimoku. Tôi lại dành một tháng học Ichimoku rồi tiếp tục chiến đấu với KLB, NVB, OGC… Kết quả cũng không khả quan hơn, tôi dừng lại.

Không dùng Ichimoku nữa, lần này tôi tìm trên các diễn đàn, các hội nhóm xem vấn đề của mình ở đâu. Và rồi tôi có đáp án sau khi “vã” xong chừng 40 cuốn chứng khoán, tâm lý hành vi, đạo trading, tâm sự underground... và một khóa Ichimoku. Kết quả là tôi đã thiếu một thứ căn bản nhất, QUẢN TRỊ VỐN.

Lần này tôi thận trọng hơn, tôi áp dụng từ từ và nhẹ nhàng với NLG, FRT, MSH, HPG nhưng có vẻ không khá khẩm hơn là mấy. Tôi còn non kinh nghiệm, lại phải đối diện với một thị trường nát như tương bần vào tháng 8, tháng 9 năm 2018.

Giai đoạn 4: Rời bỏ thị trường

Chán nản và mệt mỏi. Sau một năm tham gia thị trường, tôi lỗ 50% tài khoản. Trò chuyện với cao thủ dạy tôi Ichimoku, anh khuyên tôi dừng lại một thời gian. Tôi dừng lại, hoàn toàn mất niềm tin vào thị trường.

Một năm tiếp theo trôi qua trong bình lặng. Tôi không mua bán bất kỳ mã nào. Tôi tập trung vào việc học và làm việc để tích lũy.

Không có “chứng”, tôi sống một cuộc đời khá khẩm. Tôi thoải mái đi chơi hay hẹn hò café. Tuy thế, tôi dường như vương vất một nỗi buồn. Tôi hận mình chiến đấu cả năm trời với chứng khoán mà chẳng kiếm được đồng nào.

Không chấp nhận thất bại, tôi đặt ra cho mình mục tiêu đến 2022 là phải có lãi đều đặn, mỗi năm chỉ cần 18-20%, vậy là đủ.

Giai đoạn 5: Làm bạn với thị trường

Mục tiêu là thế chứ làm như nào thì tôi lại chẳng biết. Tôi lăng xăng hỏi người này người kia, tìm hết nhà đầu tư vĩ đại này đến chiến thần thổi nến nọ. Họ bảo tôi: “Em phải hiểu bản chất thị trường” hay “Em phải có điểm mua đẹp”.

Nhưng than ôi, làm sao để sở hữu những điều đó thì họ chẳng nói. Họ bảo do kinh nghiệm – một thứ xa xỉ với người trẻ tuổi, ít vốn, như tôi.

Cứ như vậy, tôi không tìm được lối ra. Đã có lúc tôi muốn đắp mộ cuộc tình này lại, không chứng cháo gì nữa cả. Trong hoang mang, tôi nhận ra từ trước đến nay mình chưa thật sự đồng hành với chứng khoán, vậy mà tôi lại mong kiếm được thật nhiều từ nó.

Bởi vậy, tôi quay lại với chứng khoán, tất nhiên, với một tâm thế khác:

  • Tôi không chỉ nhìn biểu đồ hay nghe tin nữa. Tôi tìm hiểu về doanh nghiệp, về cách họ làm ra tiền và giữ tiền.
  • Tôi tìm hiểu xem ông chủ là người như nào, có chiều chuộng nhân viên hay vắt chanh bỏ vỏ, xung quanh họ có đồng đội chí cốt hay chỉ có quan hệ tiền-tiền.
  • Tôi cũng không chỉ chăm chăm vào thu nhập. Tôi để ý hơn đến tiết kiệm chi tiêu.

Giai đoạn 6. Quả ngọt

Lần trở lại này, mã đầu tiên mà tôi tìm đến là FPT, một siêu cổ mà AzFin nắm giữ từ rất lâu. Tôi xem hết tất cả những phân tích về FPT trên thị trường và ấn tượng nhất với phân tích của AzFin về tầm nhìn lãnh đạo trong bài.

Sau một khóa học với AzFin, tôi nhắm được một mã, đó là ORS. Tôi tự phân tích, định giá rồi mua. Tôi định giá đơn giản lắm. Tôi ước tính lợi nhuận tương quan với một công ty chứng khoán khác có quy mô tương đồng rồi chia cho cổ phiếu là ra cổ tức và giá mục tiêu chứ chẳng có gì cao sang.

Tôi mua ORS từ giá 7 đến giá 6 rồi giá 5 trong suốt giai đoạn tháng 4 năm 2020. Kết quả sau hơn một năm nắm giữ ORS, chắc các bạn đều biết.

Tôi mong các bạn, những người đang ngày đêm với thị trường, như tôi, có được ý chí mạnh mẽ để đi hết đoạn đường đầy chông gai phía trước. Tôi cũng hy vọng chúng ta được cùng nhau hái quả ngọt từ thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phan Bá Phi Anh

* Bài viết được tác giả gửi đến cho chuyên mục: “TÂM SỰ CHỨNG KHOÁN”


Chủ đề: Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bạn với thị trường chứng khoán?
⌛ Thời hạn gửi bài: Từ 1/11/2021 đến 30/11/2021
✍️ Độ dài: 500-2000 từ
🔥 Gửi tâm sự ở đây bạn nhé: https://bit.ly/TamSuChungKhoanT11
💰 Mỗi bài viết được đăng tại https://blog.dnse.com.vn/ sẽ nhận được tiền nhuận bút cực xịn cũng như những phần quà bất ngờ đến từ DNSE!
Còn chần chừ gì nữa mà không tham gia ngay nào các bạn!

Nhà đầu tư mới