Kế hoạch 11 bước cho mỗi giao dịch

Với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tuân thủ một kế hoạch giao dịch định sẵn giúp tạo nên lợi nhuận ổn định theo thời gian. Họ không mạo hiểm tâm trí, thời gian, và số tiền trong tài khoản cho những việc có thể nằm ngoài kiểm soát.

DNSE Blog

Cùng với việc chuẩn bị cho mình một thư viện mẫu hệ thống giao dịch và tâm lý giao dịch, kế hoạch cho mỗi giao dịch là một trong những yếu tố không thể thiếu để bạn trở thành nhà đầu tư ở lại cùng thị trường,

Bên cạnh việc tuân thủ các điều kiện an toàn khi đầu tư, việc giữ kỷ luật với 11 bước kế hoạch cho mỗi giao dịch sẽ giúp bạn thoát được bẫy tâm lý và đạt được lợi nhuận ổn định phát triển theo thời gian.

Bước 1: Kiểm tra thông tin

Mỗi người đều có công cụ hay cách thức phân tích thị trường riêng, đặc biệt là đối với các thông tin quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản giao dịch.

Nếu chưa đủ điều kiện tốt, nhà đầu tư sẽ chờ đợi. Nếu có thông tin tốt, nhà đầu tư sẽ hành động.

Bước 2: Thiết lập và kiểm tra điều kiện giao dịch

Tạo ra các điều kiện giao dịch chuẩn của phương pháp giao dịch và làm checklist cho các điều kiện. Trước khi giao dịch, tiến hành phân tích các điều kiện giao dịch có thỏa mãn tất cả các tiêu chí hay không.

Mình thường ghi nhật ký giao dịch ngay từ bước này.

Bước 3: Xác định điểm vào thị trường và điểm ra thị trường

Xác định điểm vào, điểm ra thị trường là điều kiện cơ bản để đạt được lợi nhuận. Luôn tuân thủ kế hoạch bằng cách đặt lệnh với các điểm ra và các điểm vào rõ ràng, có như thế bạn sẽ luôn chủ động.

Thị trường luôn biến động và không phải lúc nào cũng di chuyển theo chiều hướng có lợi cho nhà đầu tư, nên việc xác định được các điểm vào và ra thị trường chứng tỏ bạn là một nhà kinh doanh có kế hoạch rõ ràng.

Việc này đồng thời cũng giúp tâm lý giao dịch của bạn nằm ở trạng thái tốt hơn.

Bước 4: Phân bổ vốn từ ví đầu tư

Kế hoạch sẽ có một hoặc nhiều giao dịch. Lúc này, bạn cần phải kiểm tra lại tiền vốn trong ví đầu tư và tiến hành phân bổ cho các lệnh thực hiện nhanh chóng.

Hãy nhớ, tiền trong ví đầu tư phải là tiền nhàn rỗi. Đó là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Bước 5: Xác dịnh thời gian giao dịch

Bên cạnh việc xác định điểm vào điểm ra, mình cũng thường ước lượng thời gian giao dịch. Giao dịch trong bao lâu, theo tuần, tháng hay năm. Nên nhớ rằng, thị trường cần có đủ thời gian để làm công việc của nó.

Và đó là lý do mình cần sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi khi đầu tư, để trong bất kỳ hoàn cảnh nào mình cũng không huỷ ngang lệnh đang giao dịch với trạng thái đang “lỗ”.

Bước 6: Nguyên tắc đặt lệnh giao dịch

Mỗi một loại hình đầu tư đều có các phương pháp đặt lệnh khác nhau. Thời đại 4.0 này, bạn có thể giao dịch rất đơn giản với một tài khoản trên nền tảng của công ty chứng khoán hoặc quỹ đầu tư nào đó, chỉ cần với một máy tính xách tay và đường truyền Internet.

Nhưng dù bạn sử dụng nền tảng giao dịch nào đi chăng nữa, bạn cần phải đưa ra các nguyên tắc đặt lệnh giao dịch cho mình. Các nguyên tắc này cần phải phù hợp với nền tảng giao dịch mà bạn chọn lựa và không được đi trái với 5 bước đầu tiên mà bạn đã thực hiện trước đó.

Bước 7: Kích hoạt lệnh

Sau khi các lệnh giao dịch đã đủ các điều kiện từ bước 1 đến bước 6, bạn có thể vào lệnh giao dịch theo như các tiêu chuẩn của mình đã đặt ra trên nền tảng mà các công ty bạn tham gia.

Theo dõi và chuẩn bị các phương án xử lý lệnh. Khi lệnh được kích hoạt, điều tiếp theo là bạn cần đặt các mức cảnh báo bằng nhiều cách. Giá về vùng ABC thì bạn cắt lỗ, giá đạt DEF thì bạn chốt lợi nhuận một phần hoặc toàn bộ, giá đã đạt lợi nhuận XYZ thì bạn nhồi lệnh thêm một cách cân bằng.

Bạn cần có sẵn tất cả các phương án xử lý lệnh, bất kể thị trường diễn biến như nào.

Bước 8: Theo dõi trong thị trường thuận lợi

Khi thị trường thuận lợi, bạn vẫn phải theo dõi và phân tích các yếu tố dẫn đến sự thuận lợi này. Bạn sẽ thấy thị trường vận hành thế nào và có thể đưa giá lên mức nào.

Nếu như thị trường diễn biến vô cùng thuận lợi, nhưng bạn đã có kế hoạch tại các điểm chốt lời mà bạn cho rằng đó là các điểm kế hoạch cần thoát ra khỏi thị trường. Bạn có thể chọn phương pháp cắt từng phần khối lượng giao dịch tại các điểm mà bạn đã chọn.

Và theo kinh nghiệm thực tế, nếu bạn đánh giá là thị trường có thể đạt được đến điểm giá thứ 3, bạn có thể để phần lớn khối lượng giao dịch đến điểm đó rồi hãy cắt lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân mình thì, tại điểm giá lợi nhuận thứ 1, mình sẽ cắt ít nhất 30% khối lượng giao dịch nhằm bỏ khoản vốn và lợi nhuận này vào tài khoản của mình.

70% còn lại tùy theo phân tích diễn biến thị trường tiếp theo, mình sẽ cắt lợi nhuận theo điểm nào mà mình thấy có thể đạt được tốt nhất.

Có thể giá lên điểm giá lợi nhuận thứ 2 hơn một chút, rồi quay đầu về điểm giá lợi nhuận thứ 1. Cũng có thể giá lên điểm giá lợi nhuận thứ 3 chẳng hạn.

Nhưng một nguyên tắc mà bạn cần nên nhớ, nếu giá vượt qua điểm giá lợi nhuận thứ 1, sau đó có lên điểm giá lợi nhuận thứ 2 mà quay về mức giá điểm vào thì bắt buộc bạn phải cắt toàn bộ khối lượng giao dịch còn lại.

Điều này đồng nghĩa rằng, nếu mức giá vượt qua điểm giá 1, bạn sẽ có ít nhất 30% khối lượng giao dịch có mức lợi nhuận tại mức giá này.

Sự trải nghiệm theo thời gian của nhà đầu tư thường sẽ giúp họ có phán đoán cho việc giá có từ điểm giá 1 lên điểm giá 2 và đến được điểm giá thứ 3 chính xác hay không.

Nhưng nếu bạn có kế hoạch như tôi đã trình bày, thì trong điều kiện mức giá đạt vượt điểm giá 1 nào bạn cũng sẽ không lỗ vốn, mà thậm chí là lời thêm 30% khối lượng giao dịch.

Bước 9: Theo dõi trong thị trường không thuận lợi

Tương tự như bước 8, có điều tâm lý giao dịch của bạn trong bước 9 hoàn toàn ngược lại. Bước 8 là bạn lấy được tiền từ thị trường, còn bước 9 bạn lại mất tiền từ nguồn vốn đầu tư của mình. Cho nên, bạn càng phải tỉnh táo hơn.

Phần này có vẻ bạn sẽ hơi khó chấp nhận hơn, vì bạn sẽ theo dõi các giao dịch mình đang trong trạng thái lỗ, tuy nhiên bạn cần tỉnh táo và tuân thủ với các kế hoạch ban đầu của mình.

Tránh gồng lỗ trong mọi tình huống, giao dịch này thất bại bạn sẽ tìm được giao dịch khác có lợi nhuận sau.

Và, hãy ghi nhận tất cả, nhất là khi giá giảm sâu. Đó sẽ là tư liệu tốt để bạn ghi vào nhật ký giao dịch của mình.

Bước 10: Đón nhận kết quả giao dịch

Hãy bình thản đón nhận kết quả của một giao dịch dù thành công hay thất bại. Đặc biệt, tôi muốn lưu ý với các bạn là, dù cho các bạn có được một lợi nhuận lớn hơn kỳ vọng, cũng đừng tự cho mình là giỏi.

Trong thị trường tài chính, người tồn tại lâu năm với mức lợi nhuận ổn định mới là người chiến thắng. Một vài giao dịch có lợi nhuận lớn không đánh giá được hết trình độ của một nhà đầu tư.

Còn nếu như bạn lỡ như thua lỗ, thì cũng đừng buồn, có việc kinh doanh hay doanh nghiệp nào mà không cần tiêu tốn chi phí chứ?

Vả lại, thị trường tài chính là thị trường của các nhà tạo lập thị trường, các “cá mập”, chúng ta chỉ tham gia với tư cách là người chơi, là cá nhân nhỏ lẻ, thua lỗ một vài giao dịch cũng là bình thường thôi.

Nói thì dễ, làm mới khó, nhưng nếu các nhà đầu tư đều cố gắng rèn luyện tâm lý giao dịch của mình theo thời gian, thì đón nhận kết quả giao dịch cũng không phải là việc quá khó để thực hiện.

Bước 11: Ghi chép nhật ký giao dịch

Bước cuối cùng, ghi chép vào nhật ký giao dịch toàn bộ quá trình trước, trong và sau mỗi giao dịch. Thắng/thua từ đâu và rút được những kinh nghiệm gì. Ghi chép các giao dịch là tài liệu quý để bạn hoàn thiện hơn các kế hoạch về sau.

                                                            ***

Mỗi người sẽ có bộ nguyên tắc Kế hoạch giao dịch phù hợp với phong cách giao dịch của riêng họ. Việc cụ thể các nguyên tắc giao dịch này còn giúp người đầu tư rèn luyện tâm lý vững vàng hơn trong các tình huống thuận lợi hoặc bất lợi của thị trường.

Với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tuân theo kế hoạch giúp tạo nên lợi nhuận ổn định theo thời gian.

Họ sẽ không quá quan tâm đến số lượng thắng trên tổng lệnh hay chỉ tập trung dự đoán đỉnh/đáy của giá rồi vào lệnh để có được mức lợi nhuận cao.

Họ sẽ không mạo hiểm tâm trí, thời gian, và số tiền trong tài khoản cho những việc có thể nằm ngoài kiểm soát.

Hãy làm công việc giao dịch đơn giản hơn nếu bạn có thể không đem những rắc rối đầu tư vào những sinh hoạt đời thường.

Đây chỉ là nhận định và quan điểm mang tính chất cá nhân của mình, mỗi nhà đầu tư đều có những phương pháp và kế hoạch riêng của mỗi người. Rất vui nếu như chúng ta gặp nhau ở vài điểm nào đó.

Chau Pham

Nguồn: https://www.facebook.com/100042567023034/posts/590271149068447/?d=n

Chứng khoánTài chính cá nhân