Khi thị trường điều chỉnh

Một sự thật là lúc này, khi các hội nhóm chuyên hô hào cho CII, FLC, CEO đã dần mất hút, thì các nhóm đầu tư chân chính vẫn tồn tại.

DNSE Blog

Đã ở chặng đua cuối cùng của quý II năm 2022, danh mục của mình chủ đạo vẫn là HPG và bank, có thêm một ít cổ phiếu chứng khoán.

Lần này, danh mục của mình cũng đỏ au, lỗ từ 20%-50% mỗi mã. Thị trường chứng khoán tưởng chừng dễ mà khó kinh khủng.

Thế nhưng, lúc này, một sự thật là, khi các hội nhóm chuyên hô hào cho CII, FLC, CEO đã dần mất hút trên zalo, thì các nhóm đầu tư chân chính vẫn tồn tại.

Dù đã tham gia thị trường chứng khoán được vài năm, mình vẫn không khỏi có những giây phút bàng hoàng trước những cú sụt giảm của thị trường lần này.

Mình chứng kiến hầu hết bạn bè mình đã chạy khỏi thị trường với suy nghĩ tiêu cực:

"Thị trường chứng khoán là một sòng bài, lái ăn đủ rồi lại đạp thôi”.

Tuy nhiên, mục tiêu của mình vẫn là theo đuổi trường phái đầu tư dài hạn, mua doanh nghiệp tốt với định giá rẻ và nắm giữ.

Thật may mắn vì mình vẫn có dòng tiền sinh lời hàng tháng và sử dụng nó để mua tích luỹ khi giá cổ phiếu mà mình mong muốn sở hữu đang rẻ.

Nếu không phải là một trader, lướt đâu thắng đó, vậy thì hãy làm một nhà đầu tư giá trị. Mua khi giá cổ phiếu rẻ và tận dụng cơ hội hiếm có này mà nhắm tới các doanh nghiệp làm ăn có uy tín và lợi nhuận.

Tất nhiên, qua đợt điều chỉnh của thị trường lần này, mình cũng rút ra được một số bài học xương máu, xin được chia sẻ cùng các bạn.

Bài học thứ nhất: Tuyệt đối không gồng lãi

Bài học đầu tiên mà mình rút ra đó là không gồng lãi.

Không nên vì quá yêu thích một cổ phiếu nào đó, giống như mình yêu HPG và TCB vậy, mà nắm giữ mãi không rời.

Đặc biệt, khi tất cả mọi người đều hô hào nó tốt, cực kỳ tốt, lợi nhuận tăng trưởng, v.v. thì nếu cần bạn vẫn phải chốt lãi.

Bài học thứ hai: Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Nếu được làm lại, mình sẽ cân nhắc hơn trong việc lựa chọn ngành để đầu tư.

Với một khoản tích luỹ có từ trước và dòng tiền đều đặn 10 triệu mỗi tháng, mình sẽ chọn 3-5 mã ngành tương ứng với 3-5 mã cổ phiếu, thay vì chỉ tập trung 2 mã ngành thép và bank như lựa chọn ban đầu để rồi tài khoản lỗ chỏng gọng.

Bài học thứ 3: Tìm hiểu về các doanh nghiệp có chi trả cổ tức

Một bài  học nữa mà mình nghĩ là không thể bỏ qua, đó là việc nghiên cứu và tìm hiểu về các doanh nghiệp chi trả cổ tức đều đặn và vẫn có sự tăng trưởng hàng năm.

Sau khi nghiên cứu kỹ mình chọn một trong các doanh nghiệp này để đưa vào danh mục đầu tư của mình, đó có thể là DPR, FPT, hoặc VEA.

Bài học thứ 4: Tránh bắt dao rơi

Đừng nên bắt dao rơi. Gặp trường hợp giá cổ phiếu sụt giảm đáng kể, hãy bình tĩnh chớ vội vàng bắt đáy. Biết đâu đấy, đáy hôm nay sẽ là đỉnh của ngày mai.

Vì vậy, hãy chờ thời điểm thị trường cân bằng, khi đấy, mua cũng không vội. Thật sự cầm được tiền là điều không hề dễ các bạn ạ.

Và cuối cùng, xin chân thành cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của mình. Chúc các bạn giữ vững tâm lý để đầu tư có hiệu quả trong giai đoạn này của thị trường.

Ngọc Trà

* Bài viết được tác giả gửi đến cho chuyên mục: “TÂM SỰ CHỨNG KHOÁN”


Chủ đề: Bước sang Quý 2/2022, danh mục đầu tư của bạn có gì thay đổi?
✍️ Độ dài: 500-2000 từ
🔥 Gửi tâm sự ở đây bạn nhé: https://bit.ly/TamSuChungKhoanT4
💰 Mỗi bài viết được đăng tại https://blog.dnse.com.vn/ sẽ nhận được tiền nhuận bút cực xịn cũng như những phần quà bất ngờ đến từ DNSE!
Còn chần chừ gì nữa mà không tham gia ngay nào các bạn!

Chứng khoánNhà đầu tư mới