Lạm phát xảy ra, nên làm gì để giữ tiền của bạn không mất giá trị
Lạm phát, một hiện tượng kinh tế phức tạp tưởng chừng xa vời và trừu tượng, thực tế lại hiện hữu hàng ngày với chúng ta, trong từng mớ rau, con cá hay đồng quà buổi sáng...
Hai năm vừa qua khi tình hình dịch Covid trên thế giới diễn ra căng thẳng, chính phủ các nước bơm tiền ra thị trường để hỗ trợ nền kinh tế được ổn định, kích cầu xã hội cũng như để trợ giúp cho những người nghèo gặp khó khăn trong đại dịch.
Trong mắt các chính trị gia, việc bơm tiền ra như vậy là phương pháp tốt để hỗ trợ nền kinh tế đất nước không bị sụt giảm hay xảy ra khủng hoảng khi đại dịch hoành hành làm giảm kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, việc bơm tiền ấy liệu có ích lợi gì đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ hay không? Hãy cùng tôi phân tích để hiểu kỹ hơn về vấn đề này nhé.
Tiền không phải là giá trị thật
Để nhìn đúng bản chất giá trị thật của đồng tiền, phải lội ngược dòng về thời xa xưa khi đồng tiền chưa xuất hiện. Khi đó, mọi thứ đều được trao đổi trực tiếp với nhau. Ví dụ, tôi có 1 con bò, anh có 10 con cá mới đổi được 1 con bò của tôi.
Vì hình thức trao đổi trực tiếp có nhiều vấn đề bất cập, xã hội phát triển cần một phương thức trao đổi khác ổn định và hiệu quả hơn. Lúc này, tiền tệ ra đời, với phiên bản đầu tiên là những kim loại giá trị như Vàng, Bạc, Đồng.
Tiền giấy, do nhà cầm quyền phát hành, là thế hệ tiếp theo của tiền tệ. Về bản chất, tiền giấy là bằng chứng chứng minh rằng nhà cầm quyền nợ người có tiền giấy một lượng tiền đúng bằng giá trị ghi trên tiền giấy.
Sau một thời gian dài phát triển, tiền giấy ngày càng phổ biến. Người ta dần quên đi giá trị thật tương xứng mà chú trọng đến con số trên tờ tiền giấy nhiều hơn.
Khi việc in tiền bị lạm dụng và trở nên mất cân đối với thực tế nền kinh tế đất nước, lạm phát sẽ tăng cao và đồng tiền tất yếu sẽ mất dần giá trị. Zimbabwe là một ví dụ điển hình cho việc in tiền mất kiểm soát khiến đồng tiền mất giá trị và người dân dùng tiền như đống giấy lộn.
Tôi phải làm gì để bảo toàn tài sản khi xảy ra lạm phát?
Thật ra việc đảm bảo để tài sản tránh khỏi rủi ro lạm phát đã được ông cha ta quan tâm đến ngay từ thuở xa xưa. Một loại hình tài sản mà các cụ cho là luôn giữ được giá trị dù có biến động hay lạm phát không gì khác chính là vàng.
Bất cứ một quốc gia nào cũng phải trữ một lượng vàng nhất định trong ngân khố nhà nước, bởi giá trị trường tồn và tính dễ trao đổi của nó. Về dài hạn, vàng cũng là khoản đầu tư an toàn cho nhà đầu tư nhằm đảm bảo nguồn vốn không bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Một loại hình tài sản khác có giá trị tăng trưởng theo thời gian tương tự như vàng là bất động sản. Với đà tăng dân số hiện tại, bất động sản là thứ tài sản tăng giá từng ngày từng phút từng giây bởi tính hữu hạn của nó và nhu cầu an cư của con người. Bởi vậy, bất động sản được những nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm chọn là một trong những tài sản có giá trị lớn bắt buộc phải có trong danh mục đầu tư của họ.
Trong xã hội hiện đại, cổ phiếu cũng chính là một thứ tài sản có giá trị chống lại lạm phát. Thực tế chứng minh rằng, giá trị cổ phiếu cũng sẽ dần tăng lên tương ứng trong trường hợp lạm phát xảy ra.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải cổ phiếu nào cũng là tài sản đảm bảo được giá trị khi xảy ra lạm phát. Chỉ có những cổ phiếu của những công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt mới đảm bảo được giá trị tài sản khỏi tình trạng mất giá trong thời kỳ lạm phát.
Khi lạm phát xảy ra, không một ai muốn đồng tiền trong tay mình mất giá trị cả. Hôm nay, đồng tiền tôi có, có thể mua một căn nhà. Tuy nhiên, nếu giữ lại khoản tiền đó, 20 năm sau, liệu tôi còn có thể mua được căn nhà đó hay không, nếu lạm phát xảy ra?
Tôi muốn dùng một ví dụ nhỏ để bạn có thể hình dung cụ thể về lạm phát. Nếu như năm 2000, bạn tiêu mất 15-20.000đ cho bữa sáng với một tô phở, thì 20 năm sau, năm 2020, tô phở đó có giá 50.000đ. Vậy, bạn nghĩ sao về ảnh hưởng của lạm phát trong cuộc sống của bạn?
Hãy nhìn vào nguồn tiền bạn có trong năm vừa qua, với tỷ lệ lạm phát là 3,23% năm 2020. Nếu bạn có 100.000đ và giữ nguyên trong túi, sau một năm giá trị thực của nó ở mức 96.770đ. Giữ nó như thế trong 10 năm tiếp theo, bạn đã mất đi 32,3%. Rồi 20 và 30 năm sau, cái mà bạn có trong tay là 4% giá trị đồng tiền ban đầu.
Tôi gửi tiền trong ngân hàng vẫn giữ được giá trị đồng tiền chứ?
Điều này vừa đúng lại vừa sai! Với tỉ lệ lạm phát 3,23%, nếu bạn gửi ngân hàng với lãi suất cao nhất là 6%/năm thì bạn vẫn lãi đc 3% giá trị tài sản.
Nhưng câu chuyện không đơn giản chỉ có vậy. Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến những câu chuyện tiền bốc hơi sau 30 năm gửi tiết kiệm trong ngân hàng rồi chứ. Lạm phát là một tỉ lệ không đứng yên, nó biến đổi theo tình hình kinh tế của đất nước. Nếu tỷ lệ lạm phát cao hơn lãi suất ngân hàng bạn gửi thì đó là rủi ro rất cao cho tài sản. Liệu bạn có chấp nhận điều đó xảy ra với bạn?
Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi lại trạng thái trước đây. Với những gói hỗ trợ lớn được Nhà nước tung ra, cộng với giá xăng dầu tăng ở mức kỷ lục, giá cả hàng hoá cũng dần leo thang. Lạm phát xảy ra là không thể tránh khỏi trong thời gian này và điều mà chúng ta cần lưu ý là cân đối lại tài sản của mình thật thích hợp để đối phó với lạm phát.
Hãy tìm cho mình một tài sản thích hợp để đề phòng rủi ro đến từ lạm phát. Ở thời điểm hiện tại, cũng có những tài sản công nghệ số được so sánh có giá trị như vàng. Tuy nhiên, với tính không ổn định về giá trị và dễ dàng bị thao túng bởi thị trường, tôi không khuyên các nhà đầu tư lựa chọn chúng.
Hãy cân nhắc để gìn giữ tài sản của mình luôn có giá trị chống lại lạm phát để bảo tồn những thứ đã thuộc về bạn.
DNSE Blog - Đầu tư thông minh hơn Newsletter
Đăng ký email để nhận cập nhật mới nhất từ chúng tôi