Những cổ phiếu càng tăng giá, càng phải tránh xa
“Risk comes from not knowing what you are doing.” – Warren Buffett
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến chuỗi tăng trưởng nhanh như vũ bão, đặc biệt trong giai đoạn gần đây khi thanh khoản thị trường tăng vọt phá vỡ các mốc kỉ lục trước đó. Trong phiên giao dịch ngày 20/08/2021 vừa qua, tổng khối lượng giao dịch ở cả 3 sàn đã vượt mức 48.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng trên 2 tỷ USD. Đây cũng là mức cao nhất trong vòng 21 năm qua, kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động.
Không thể phủ nhận một điều rằng sức nóng và sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng lớn, dần trở thành một trong những kênh đầu tư và huy động vốn chính của nền kinh tế, thu hút dòng tiền từ cả tổ chức lẫn cá nhân trong và ngoài nước. Mặc dù tâm lý thị trường đang trong giai đoạn vô cùng hưng phấn, nhưng tôi vẫn phải nhắc nhở các độc giả của mình rằng bất kỳ hoạt động đầu tư nào cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro và mặt trái nhất định.
Để nắm trong tay một danh mục đầu tư “khỏe mạnh” và hiệu quả, trước hết bạn phải có khả năng phân loại được đâu là những cổ phiếu “Cô-Vy virus” mà bạn nên đặc biệt tránh xa. Tin tốt là việc nhận diện này không quá khó và cũng không tốn của bạn quá nhiều thời gian; đổi lại, nó đem đến những lợi ích vô cùng to lớn, giúp bạn tránh được những sai lầm không đáng có trong hành trình đầu tư và tự do tài chính của mình.
Bạn và tôi hãy cùng phân tích để điểm mặt đâu là những cố phiếu “độc hại” cũng như nhận dạng những chiêu trò làm giá phổ biến trên thị trường chứng khoán nhé.
1. Các cổ phiếu mục tiêu của đội thao túng giá
Các cổ phiếu hội tụ các đặc điểm sau thường là miếng mồi béo bở của “đội lái”:
Cổ phiếu có thị giá thấp
Là cổ phiếu penny, giá giao dịch trên dưới 10.000 đồng, vốn hóa thị trường bé. Cổ phiếu loại này đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư mới với số vốn hạn chế. Đặc điểm chung của hầu hết nhóm nhà đầu tư này là thường mua bán cổ phiếu theo tâm lý đám đông, nắm ít thông tin nhưng lại ra quyết định mua nhanh, đầu tư chứng khoán với tâm thế đánh bạc nên dễ dàng bị lôi kéo hơn.
Không loại trừ có một số cổ phiếu có giá trị giao dịch tương đối cao, thậm chí trên 50.000 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn thuộc nhóm đối tượng bị thao túng giá. Tuy nhiên, mục tiêu “làm giá” cho những cổ phiếu loại này thường nhắm đến là các Quỹ ETFs, trước các kỳ review danh mục đầu tư. Do đó bạn vẫn nên lưu tâm để không sập bẫy với loại cổ phiếu này.
Cổ phiếu cô đặc
Để dễ dàng tính toán cung cầu và tác động vào giá, “đội lái”, trong một số trường hợp còn thông đồng với ban lãnh đạo công ty hoặc cổ đông lớn, nhắm đến những cổ phiếu có tỷ lệ sở hữu tập trung cao, ít thanh khoản, ít hiện diện trên thị trường.
Cổ phiếu thuộc ngành nghề tương đối hấp dẫn, đang có sóng
Trong một số trường hợp, “đội lái” lợi dụng xu hướng tăng của một nhóm ngành để lựa chọn cổ phiếu penny của một doanh nghiệp trong ngành để ăn theo xu hướng và dễ thu hút nhà đầu tư.
Cổ phiếu được chính Ban lãnh đạo công ty/nhóm cổ đông chi phối bắt tay với “đội lái” để “giữ giá”
Động cơ của việc này thường xuất phát từ tình huống Ban lãnh đạo/nhóm cổ đông chi phối sử dụng cổ phiếu của công ty thế chấp cho các khoản vay của công ty hoặc của chính cá nhân thông qua các hoạt động như vay margin, phát hành trái phiếu... Trong trường hợp này, bên cho vay luôn có quy định mức định giá tối thiểu đối với tài sản bảo đảm là cổ phiếu, do đó Ban lãnh đạo/nhóm cổ đông chi phối bắt buộc phải tìm cách giữ giá để tránh bị call margin hoặc phải bổ sung thêm tài sản bảo đảm khác.
2. Các chiêu trò làm giá phổ biến
Thông thường, việc thao túng giá được "đội lái" hoạch định kỹ lưỡng hòng đánh lạc hướng tâm lý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Kế hoạch này được chia thành nhiều giai đoạn với những chiêu trò điển hình như sau:
Giai đoạn gom hàng
Bắt đầu vào giai đoạn này, “đội lái” sẽ tăng cung hoặc tung tin xấu để dìm giá và gom hàng của các nhà đầu tư khác trên thị trường, mục đích là gom đủ số lượng cổ phiếu cần thiết và thăm dò lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường để tính toán khối lượng giao dịch phù hợp cho bước kế tiếp. Ở giai đoạn này, giá cổ phiếu thường lình xình đi ngang với khối lượng giao dịch thấp trong một khoảng thời gian tương đối dài.
Giai đoạn tạo sóng
Do ở giai đoạn trước, “đội lái” đã gom được khối lượng cổ phiếu khá lớn ở vùng giá thấp nên lượng cung trên thị trường không còn nhiều. “Đội lái” lúc này dễ dàng bắt đầu một chuỗi phiên tăng giá liên tục. Do vừa mua vừa bán nên đặc điểm của giai đoạn này thường là khối lượng giao dịch mỗi phiên tương đối giống nhau. Giá tăng đều nhưng khối lượng giao dịch không tăng.
Ngoài ra, một chiêu tương đối phổ biến nữa ở giai đoạn này là sự tham gia của các “bìm bịp” - người của đội lái cài cắm vào các diễn đàn, lập các nhóm đầu tư (dạo gần đây tôi thấy ngày càng xuất hiện khá nhiều room chat dạng này, đặc biệt là trên zalo, facebook...) để tung tin tốt về doanh nghiệp, hô hào các nhà đầu tư mua với mức target tăng giá cao, kích thích lòng tham của một số nhà đầu tư.
Kết hợp việc tăng giá liên tiếp và tin tốt được bơm vào thị trường, các nhà đầu tư khác bắt đầu đổ tiền vào mua theo sóng, giá cổ phiếu vẫn tăng cho đến khi đạt mức trần xác định mà “đội lái” nhắm đến trước đó.
Giai đoạn xả hàng
Khi đã đạt được mức giá mong muốn và khối lượng nhà đầu tư khác tham gia đủ lớn, “đội lái” tiếp tục chất giá trần ở khối lượng lớn nhằm tạo cầu ảo và biết chắc rằng đặt lệnh thì cũng không khớp do không còn nhiều cổ phiếu trôi nổi trên thị trường.
Lúc này các nhà đầu tư khác cũng đua theo “đội lái” và treo lệnh ở mức giá trần với mong muốn được khớp lệnh. Kịch bản tiếp theo là toàn bộ lệnh treo trần mà “đội lái” đặt trước đó bị hủy và thay vào đó bằng lệnh bán trần. Lúc này cổ phiếu được khớp hết ngay lật tức trong khi nhà đầu tư khác không kịp trở tay. Việc xả hàng có thể tiếp tục diễn ra trong một số phiên sau đó cho đến khi lái phân phối hết. Do chót mua ở mức giá cao nên nhà đầu tư thường có tâm lý mua vào thêm để bình quân giá trong khi chờ cổ phiếu về sau T+2.
Kết quả là “đội lái” thu về bộn tiền sau giao dịch còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua theo sóng không kịp rút ra và bị mắc kẹt ở mức giá cao, bán không ai mua. Giá cổ phiếu sau đó lao dốc không phanh và giảm sàn liên tiếp cho đến khi mất gần hết giá trị.
3. Nhận biết trên biểu đồ kỹ thuật
Tôi sử dụng biểu đồ giá của một mã cổ phiếu đang được giao dịch trên sàn HOSE có hiện tượng “làm giá” tương đối rõ ràng để minh họa cho các bạn dễ hình dung như sau:
Theo tôi được biết, có một chiêu trò tinh vi hơn của “đội lái” đó là lợi dụng phương pháp phân tích kỹ thuật trên biểu đồ giá để tạo điểm mua đẹp, sau đó tung tin lên thị trường bằng những bài phân tích “có vẻ” chuyên sâu và hô hào nhà đầu tư mua vào. Do phần lớn cổ phiếu nằm trong tay “đội lái”, không khó để những tay lái chuyên nghiệp thực hiện âm mưu “dụ gà” này.
Do đây là chiêu trò bậc cao nên cũng đòi hỏi bạn có thời gian nghiên cứu kỹ hơn và lâu hơn. Ngoài phân tích kỹ thuật, bạn cần kết hợp đánh giá thực tế nội tại của doanh nghiệp có yếu tố nào thực sự là động lực tăng trưởng mạnh trong tương lai hay không, tình hình tài chính của công ty, tiềm năng tăng trưởng, mức độ tin cậy của những tin trôi nổi trên thị trường... để tránh rơi vào cái bẫy tinh vi này.
Ngoài những dấu hiệu trên, bạn nên tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến Ban lãnh đạo công ty, kế hoạch tăng vốn, số liệu báo cáo tài chính... để đưa ra đánh giá hợp lý của riêng mình, tránh việc tiếp nhận thông tin một chiều từ các diễn đàn, nhóm chat hay thậm chí là từ chính môi giới (broker) của bạn.
Thực tế có một số nhà đầu tư dù đã nhận biết được cổ phiếu đang bị làm giá nhưng vẫn lao vào con sóng dữ với hy vọng bắt đúng nhịp và có được mức lợi nhuận lớn. Chủ đề bàn luận của những nhà đầu tư này thường là ngày hôm nay sẽ có mã nào đánh lên, mã nào đánh xuống mà chẳng hề quan tâm đến việc công ty đó hoạt động như thế nào. Đôi lúc cách lướt sóng này cũng giúp họ thắng lớn trong một vài trường hợp, nhưng rồi sớm muộn cũng sẽ có lúc họ phải ngậm trái đắng và rút ra bài học cho riêng mình.
Khi thị trường diễn biến không thuận lợi, chính “đội lái” cũng phải trả giá đắt và mắc kẹt trong cái bẫy mà mình giăng ra với lượng lớn cổ phiếu ở giá cao mà không phân phối được.
Lời kết
Tuy không thể liệt kê được hết tất cả những chiêu trò “làm giá” trên thị trường nhưng hy vọng với bài viết này, tôi đã phần nào giúp các bạn cài đặt trong tâm thức một hệ thống cảnh báo trước những cổ phiếu không đáng đầu tư. Loại bỏ được những cổ phiếu này ra khỏi danh mục đầu tư cũng giống như gỡ được quả bom hẹn giờ có thể nổ bất cứ lúc nào trong ngôi nhà của bạn vậy. Tại sao phải lựa chọn sống trong lo sợ không biết ngày mai sẽ như thế nào phải không?
Chúc các bạn có những quyết định đầu tư sáng suốt và may mắn!
DNSE Blog - Đầu tư thông minh hơn Newsletter
Đăng ký email để nhận cập nhật mới nhất từ chúng tôi