Sự ích kỷ có thể giúp gì cho công việc của bạn?

Ngay từ nhỏ chúng ta đã luôn được dạy ích kỷ là một trong những tính nết không nên có nhất ở mỗi người. Vậy nhưng đã bao giờ bạn thử suy ngẫm về sự ích kỷ theo một góc nhìn khác? Nếu chưa từng nghĩ đến, bài viết này sẽ chia sẻ với bạn về “sự ích kỷ cần thiết” để đạt được thành công trong công việc.

Thuy Tien
Thuy Tien

Định nghĩa lại về sự ích kỷ

Thử gõ từ khoá “ích kỷ” vào thanh tìm kiếm của Google, ta sẽ nhận được xấp xỉ 60 triệu kết quả trong vòng 0,43 giây, một con số ấn tượng cho thấy chúng ta quan tâm đến lối sống này nhiều đến mức nào. Lướt nhanh những kết quả hàng đầu, sẽ không khó để bắt gặp những cụm từ như “Ích kỷ - thói quen giết chết con người”, hay những bí kíp như “Làm thế nào để sống bớt ích kỷ?". Từ những quan sát thực tế cùng những bài học mà chúng ta đã được dạy từ nhỏ, hẳn ai cũng có thể đưa ra kết luận nhanh rằng: ích kỷ là luôn đặt quyền lợi bản thân lên trên hết mà không coi trọng quyền lợi của người khác, tóm lại, đó là một lối sống tiêu cực cần phải tránh xa.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ theo hướng tích cực hơn thì việc ưu tiên bản thân không hoàn toàn là một điều xấu. Bản chất của con người là quan tâm đến những nhu cầu cá nhân. Bạn sẽ ở trong trạng thái tốt nhất nếu bạn đáp ứng được những nhu cầu chính đáng của bản thân mình. Và sự thật là chỉ khi ở trong trạng thái tốt nhất, bạn mới có thể tạo ra năng lượng tích cực cho cuộc sống của bạn và những người xung quanh.

Trong bài viết này, tôi xin phép được đưa ra một cách nhìn khác về sự ích kỷ. Ích kỷ trước hết là biết quan tâm và chăm sóc bản thân, coi trọng thời gian và những ưu tiên của mình để đảm bảo những điều tốt đẹp nhất cho mình và những người xung quanh. Nói vậy không có nghĩa ích kỷ là bạn được phép phớt lờ những nhiệm vụ của mình. Đó có thể là cho phép bản thân được nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng, là biết đòi hỏi những phúc lợi phù hợp với cống hiến của bản thân. Tất cả những điều này đều rất cần thiết cho sự nghiệp của bạn.

Ích kỷ thế nào để đạt được hiệu quả trong công việc?

Học cách nói “Không”

Trong công việc cũng như trong cuộc sống, chúng ta luôn muốn giúp đỡ người khác và sẵn sàng trả lời “Có” khi được nhờ vả. Ngay cả khi bạn cảm thấy không thoải mái thì việc từ chối cũng là một điều khá khó khăn. Có lẽ đã đến lúc bạn cần thay đổi suy nghĩ này. Hãy chỉ nói “Có” nếu bạn thật sự biết mình có thời gian và đủ khả năng để giúp đỡ một cách hiệu quả. Nếu cảm thấy không thoải mái, bạn nên khéo léo từ chối, nói thêm với họ về những khó khăn bạn đang gặp phải, và bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể giúp đỡ. Dù điều này có thể khiến đối phương cảm thấy không hài lòng tại thời điểm đó, nhưng đó cũng chính là cách tốt nhất cho cả hai phía. Đây là “sự ích kỷ cần thiết” mà bạn nên áp dụng thường xuyên trong cuộc sống và công việc của mình.

Giảm thời gian làm việc, tăng hiệu quả công việc

Quá tải công việc là tình trạng phổ biến mà chúng ta phải đối mặt hằng ngày. Có thể bạn cho rằng cách giải quyết tốt nhất là tăng giờ làm để hoàn thành công việc. Nhưng nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra, thì chắc chắn đó không phải một giải pháp hay vì nó sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi thậm chí kiệt sức. Vậy thì đây chính là lúc bạn cần áp dụng “sự ích kỷ cần thiết” để đặt bản thân lên trước hết và cho mình một khoảng thời gian phù hợp, nạp lại năng lượng rồi mới tiếp tục chiến đấu với các nhiệm vụ của mình. Hãy sử dụng khoảng thời gian này để làm những điều tạo sự hứng thú cho bạn, bạn có thể chọn thiền, tập thể dục thể thao, nấu những món ăn yêu thích, hay đơn giản là nghe một bản nhạc để thư giãn. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều và trở lại làm việc hiệu quả hơn so với việc tự ép mình làm việc căng thẳng liên tục.

Ngắt kết nối không cần thiết

Nếu bạn là người thường xuyên mang công việc về nhà và cố gắng xử lý mọi việc ngay cả khi đã mệt nhoài thì bạn nên thay đổi thói quen này. Hãy “ngắt kết nối”, hạn chế trả lời email, tin nhắn hay các cuộc điện thoại công việc sau giờ làm. Nếu như có công việc đột ngột xen vào, bạn nên đánh giá xem liệu đó có phải là việc cần thiết phải xử lý ngay không. Ngoài ra, bạn cũng cần chia sẻ những nguyên tắc về thời gian của mình cho mọi người hiểu và tôn trọng cách làm việc của bạn. Và một điều chắc chắn, để mọi người tôn trọng “sự ích kỷ” đó của bạn, thì trước hết đừng quên tuân thủ quy tắc làm việc hiệu quả đã được nêu ở trên để đảm bảo chất lượng công việc.
Vậy nên, ngắt kết nối ở đây không phải tảng lờ nhiệm vụ của bản thân hay vô trách nhiệm, mà là một “sự ích kỷ cần thiết” để cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống riêng. Bạn cần dành thời gian cho bản thân và gia đình khi về nhà, bởi cuộc sống gia đình viên mãn chính là một điều kiện cần, là điểm tựa vững chắc để sự nghiệp của bạn phát triển.

las4estaciones

Yêu cầu mức đãi ngộ xứng đáng

Đặt quyền lợi của bản thân lên trước - đó là những gì chúng ta định nghĩa về sự ích kỷ. Và yêu cầu mức đãi ngộ xứng đáng với những cống hiến của bạn cho công việc là một quyền lợi hoàn toàn chính đáng và cũng được coi là một “sự ích kỷ cần thiết” trong sự nghiệp của bạn. Trên thực tế chúng ta thường tránh đề cập đến chuyện lương thưởng hay phúc lợi, nhưng mỗi chúng ta khi đi làm đều mong muốn có một mức lương xứng đáng với những giá trị mà mình tạo ra. Một khi bạn đã cống hiến hết mình cho công việc và cảm thấy mình xứng đáng với một mức lương cao hơn, thì không có lý do gì để bạn không thể thẳng thắn và tự tin trao đổi với cấp trên về vấn đề này. Đó cũng chính là một cách ghi nhận giá trị của bản thân và có thêm động lực để tiếp tục cống hiến và phát triển sự nghiệp.

Yêu cầu sự giúp đỡ

Ích kỷ có liên quan gì đến yêu cầu sự giúp đỡ? Thực chất gợi ý này của tôi vẫn xoay quanh việc dành sự ưu ái cho bản thân. Khi bạn cảm thấy khối lượng công việc của mình quá nhiều hay gặp khó khăn trong lúc thực hiện nhiệm vụ, thì đừng ngần ngại tìm đến những sự giúp đỡ từ đồng nghiệp hoặc cấp trên. Bạn có thể trình bày với sếp về các vấn đề liên quan đến công việc của mình, nhờ sếp phân bổ lại khối lượng công việc, nhờ một người đồng nghiệp khác san sẻ công việc với mình nếu họ đang rảnh rỗi, hoặc nhờ đồng nghiệp có kinh nghiệm chỉ dạy cho mình những nghiệp vụ mà mình chưa nắm được. Như vậy bạn sẽ hạn chế được tình trạng căng thẳng vì công việc. Hơn nữa tìm kiếm sự giúp đỡ cũng là một cơ hội để bạn học hỏi được nhiều điều từ đồng nghiệp, từ đó hoàn thiện bản thân hơn và hoàn thành công việc một cách hiệu quả hơn.

Searching

Nếu bạn đã đọc hết bài viết này, hy vọng bạn có thể vượt thoát khỏi những định kiến cứng nhắc để khám phá ra những góc cạnh mới về “sự ích kỷ” trong chính bản thân bạn. Hãy học cách đối diện với sự ích kỷ của mình thay vì lảng tránh nó. Rất mong bạn có thể lựa chọn một trong những gợi ý mà tôi đã đưa ra ở trên và áp dụng vào công việc của bạn để có thể trở thành một “người ích kỷ khôn ngoan".

Lifestyle

Thuy Tien

Business Analyst@DNSE. A mistake that makes you humble is better than an achievement that makes you arrogant.