Thanh khoản là thứ khiến thị trường chuyển động
Bài học từ nhà đầu tư huyền thoại Stanley Druckenmiller - cánh tay phải của George Soros.
Trong các bài trước, chúng ta đã tìm hiểu một số nhà đầu tư: Philip Town (Đầu tư giá trị 4M), Philip Fisher (Đầu tư tăng trưởng), Edward Thorp (Giao dịch định lượng), William O'Neil (Đầu tư theo đà tăng trưởng).
Ở bài viết này, tôi xin được giới thiệu đến các bạn về nhà đầu cơ Stanley Druckenmiller với những triết lý sâu sắc và thực tiễn của ông nhằm đem lại góc nhìn mới và đa chiều về thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán.
1. Sơ lược về Stanley Druckenmiller
Sinh năm 1953, Druckenmiller tham gia vào thế giới đầu tư sau khi từ bỏ chương trình Tiến sĩ tại Đại học Michigan năm 1977. Ông nhận công việc tại Ngân hàng Quốc gia Pittsburgh.
Một năm sau đó, ông trở thành trưởng nhóm nghiên cứu vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Đến năm 1981, Druckenmiller thành lập Duquesne Capital Management.
Sau đó, vào năm 1988, Druckenmiller được George Soros thuê để làm việc tại Quỹ lượng tử. Stanley trở nên nổi tiếng vì đã phá vỡ Ngân hàng Trung ương Anh bằng cách bán khống bảng Anh, thu về một tỷ đô la.
Druckenmiller đạt tỷ suất sinh lợi trung bình mỗi năm là 30% trong ba thập kỷ - một thành tích ngoại hạng.
Điều đáng ngạc nhiên chính là Druckenmiller đã duy trì một sự ổn định không thể tin nổi. Ông gần như chưa bao giờ thua lỗ. Duy nhất chỉ có 5 quý đi lùi xét trong 120 quý đầu tư suốt sự nghiệp. Một thành tích thật sự vô tiền khoáng hậu.
Tại đỉnh cao sự nghiệp, Druckenmiller quản lý hơn 20 tỷ USD và ông vẫn trên cung đường nối dài kỷ lục.
2. Các bài học từ Druckenmiller
Theo Druckenmiller, thế giới tài chính bị nhồi chặt bởi vô vàn thông tin nhiễu loạn và những thứ vô nghĩa. Thế giới đó lấp đầy những kẻ trông có vẻ thông minh tự vỗ ngực là chuyên gia nhưng lại chẳng biết gì về cách mọi thứ thực sự vận hành.
"Với những người giao dịch bằng tiền thật, hoặc là họ sẽ học được cách chơi hoặc là họ sẽ bị đào thải; còn đối với “những chuyên gia” giả tạo thì không".
Khi tham gia thị trường, mỗi nhà đầu tư hay đầu cơ luôn kỳ vọng kết quả đầu tư của họ được phản ánh bằng đà tăng giá của cổ phiếu. Điều này thôi thúc mạnh mẽ họ đi tìm “chén thánh”: “Điều gì thực sự làm các cổ phiếu tăng giá?
Điều gì khiến cổ phiếu tăng giá
- Nguồn cung tiền
Theo Stanley Druckenmiller, dòng chảy vốn là sự mở rộng hay thu hẹp của nguồn cung về tiền, đặc biệt là vốn tín dụng. Đó chính là biến số lớn nhất dẫn dắt các nhu cầu trong một nền kinh tế. Đó cũng chính là lý do tại sao luôn cần để mắt đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
“Những con số lợi nhuận không làm dịch chuyển toàn bộ thị trường, mà chính là Cục Dự trữ Liên bang. Hãy giành sự tập trung đối với những động thái của các ngân hàng trung ương và chú ý đến dòng chảy của vốn.”
Lợi nhuận tương lai
Hầu hết người tham gia thị trường lấy những con số lợi nhuận gần đây rồi phỏng chiếu chúng vào tương lai. Họ thất bại trong việc thật sự nhìn vào cơ chế dẫn dắt lợi nhuận ròng của một công ty hay một ngành cụ thể.
Chìa khóa làm nên một nhà đầu tư/nhà giao dịch giỏi là xác định được những yếu tố dẫn dắt đến lợi nhuận tương lai, chứ không phải những thứ đã đem lại lợi nhuận trong quá khứ.
Druckenmiller từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Công việc tôi làm suốt 30 năm qua là dự báo những thay đổi trong dòng chảy kinh tế, điều mà những kẻ khác không nghĩ đến, và vì thế chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu.”
Phương pháp xác định thời điểm
Đối với Druckenmiller, một nguyên tắc tối ưu để xác định giá cổ phiếu sẽ lên hay xuống chính là dựa vào phân tích kỹ thuật. Ông công khai việc xem xét dòng tiền và dùng những phân tích kỹ thuật, thay vì sử dụng định giá, để xác định thời điểm giao dịch.
Druckenmiller tiết lộ: "Tôi xem xét dòng chảy của tiền và dùng phân tích kỹ thuật để xác định thời điểm. Định giá chỉ nói cho tôi biết thị trường có thể đi xa đến đâu khi một yếu tố xúc tác xuất hiện và làm thay đổi hướng đi của thị trường."
- Sẵn sàng cược lớn
Tránh thua lỗ nên là mục tiêu tiên quyết của mọi nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhà đầu tư lúc nào cũng phải giữ tâm thế né tránh thua lỗ.
Liên quan đến thua lỗ trong đầu tư chứng khoán, Druckenmiller đã có nhiều chia sẻ:
“Nhiều nhà quản lý quỹ, một khi họ kiếm được lợi nhuận 30-40%, thì họ sẽ ‘kết năm’ tại đó. Nghĩa là họ sẽ giao dịch cực kỳ cẩn trọng để phần còn lại của năm đó không làm ảnh hưởng đến thành tích tốt đã đạt được.
Cách để có được lợi nhuận thật sự phi thường trong dài hạn là hãy nỗ lực cho đến khi bạn kiếm được 30-40%, và rồi nếu bạn vẫn quả quyết là mình đúng, hãy tiếp tục cho đến 100%”.
“Soros là người đón nhận thua lỗ tuyệt nhất mà tôi từng thấy. Ông ấy chả quan tâm liệu ông ấy thắng hay bại đối với một giao dịch. Nếu một giao dịch không ổn, ông ấy đủ tự tin về khả năng thắng những giao dịch khác. Như thế ông ấy có thể dễ dàng quên cái vị thế thua lỗ đó đi”.
“Có rất nhiều đôi giày xếp ngay ngắn trên giá gỗ, bạn chỉ cần mang vào những đôi vừa vặn với chân mình. Nếu bạn tự tin thật sự, thua lỗ chẳng khiến bạn phiền lòng”.
Nếu bạn có thể đạt được mức sinh lợi đâu đó khoảng 100% trong một vài năm và tránh được những năm thua lỗ, thì khi đó bạn có thể đạt được kết quả thật sự tuyệt vời trong dài hạn.
- Quyết đoán, cởi mở, ứng biến tốt
Một ngày trước cú sụp năm 1987, Druckenmiller chuyển đổi các vị thế của mình từ bán ròng (net-short) sang 130% mua ròng (net-long) vì cho rằng đợt bán tháo đã chấm dứt.
Druck nhận thấy thị trường bật lên từ các ngưỡng hỗ trợ (về kỹ thuật). Tuy nhiên, cũng trong chính ngày hôm đó, ông nhận ra mình đã phạm một sai lầm khủng khiếp.
Vì thế, ngày tiếp theo, ông đảo ngược vị thế thành bán khống và thực tế đã kiếm được tiền. Đây chính là kiểu tâm lý cởi mở, mềm dẻo ứng biến có trong máu của mọi nhà giao dịch vĩ đại nhất.
“Điều tuyệt vời trong ngành kinh doanh đó là tính thanh khoản và đương nhiên bạn cũng cần biết cách để bước qua những lỗi lầm. Miễn là tôi vẫn kiểm soát tình thế, tức là vẫn theo sát được những vị thế của mình, thì chẳng có lý gì để mà lo lắng cả.” - ông nói.
Entrade tổng hợp
Nguồn: Stanley Druckenmiller’s interview with Jack Schwager; Macro-ops.com; Vietstock & EconomicTimes
DNSE Blog - Đầu tư thông minh hơn Newsletter
Đăng ký email để nhận cập nhật mới nhất từ chúng tôi