Lý thuyết game và ứng dụng trong đầu tư kinh doanh
Hiểu rõ luật chơi để có một trò chơi hoàn hảo, chúng ta không chơi để hòa, chúng ta chơi là để thắng.
Lại là mình đây - chủ tịch công ty nông cụ thuộc hàng "top" như ở bài viết trước về cách thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
Nhân dịp cơ quan quản lý của các quốc gia liên tục "doạ" tăng lãi suất trên khắp các mặt trận truyền thông, nên mình có ý tưởng viết bài về lý thuyết game, một chủ đề được giảng dạy khá phổ biến trong các trường kinh tế và ngoại giao.
Bạn cứ đi hỏi các nhà kinh tế hay các nhà hoạch định chiến lược, ắt hẳn ai trong số họ cũng đều biết về lý thuyết này. Cũng có thể bạn đã từng tư duy và sử dụng nó rồi nhưng chưa biết để đọc đúng tên nó mà thôi!
Cá nhân mình đã từng áp dụng lý thuyết này để chiến thắng vài game ma sói khi đi du lịch cùng các đồng nghiệp ở công ty, rất xin lỗi các anh chị em!
Ma sói là gì?
Ngoài lề một chút, nếu bạn chưa biết gì về ma sói thì cho mình được giải thích sơ lược nhé.
Đó là một trò chơi tiệc tùng do Dmitry Davidoff tạo ra vào năm 1986 bằng cách mô hình hóa cuộc xung đột giữa hai nhóm: thiểu số có hiểu biết và đa số không có hiểu biết.
Cụ thể là phe người và phe sói có sự chênh lệch về thông tin, hai nhóm này cạnh tranh và tiêu diệt lẫn nhau.
Lý thuyết game là gì?
Lý thuyết game là một nhánh của toán học ứng dụng. Lý thuyết game cung cấp các công cụ phân tích tình huống để các bên, được gọi là người chơi, đưa ra quyết định phụ thuộc lẫn nhau.
Sự phụ thuộc lẫn nhau này khiến mỗi người chơi phải cân nhắc các quyết định hoặc chiến lược có thể có của những người chơi khác khi xây dựng chiến lược cho riêng mình.
Lý thuyết game bao gồm một tập hợp các kiểu loại trò chơi khác nhau. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ chỉ sơ lược về hai loại cơ bản và phổ biến nhất thôi nhé, đó là:
- Trò chơi hợp tác và không hợp tác;
- Trò chơi tổng bằng không và tổng khác không.
Trò chơi hợp tác và không hợp tác
Đây là loại hình trò chơi thường gặp trong đời sống thực tế, và tình huống phổ biến của nó có thể là như sau:
Hai người thợ săn cùng đi vào rừng, mỗi người có quyết định riêng và sẽ không cho đối phương biết họ sẽ săn gì, hươu hay thỏ rừng.
Mỗi người trong số họ đều biết, muốn săn được hươu thì tốt nhất là tìm đến sự giúp đỡ của người kia. Họ cũng biết, bắt thỏ thì tốn ít công sức và thời gian hơn, nhưng đổi lại, có giá trị thấp hơn nhiều so với hươu.
Sẽ tốt hơn nhiều cho mỗi thợ săn khi từ bỏ quyền tự quyết để đổi lấy sự hợp tác và sức mạnh bổ sung của thợ săn khác - Jean Jacques Rousseau.
Nếu bạn là một trong hai người thợ săn này, bạn chọn hươu và người còn lại chọn thỏ, thì anh ta sẽ có phần thưởng (là con thỏ) và bạn thì sẽ trắng tay ra về.
Sẽ thật là tuyệt nếu người đồng nghiệp thợ săn của bạn biết về lý thuyết game, bỏ qua sự đố kị cá nhân và cùng hợp tác với bạn để săn về một con hươu, thay vì chỉ có thỏ.
Trò chơi tổng bằng không và tổng khác không
Thế còn trò chơi có tổng bằng không thì sao? Bạn có thể hiểu đơn giản là lợi nhuận của người này sẽ là thua lỗ của những người còn lại.
Trò chơi tổng khác không thì khác nhé! Ở trò chơi này, xảy ra trường hợp cả hai cùng lãi hoặc cả hai cùng lỗ.
Từ kinh nghiệm ít ỏi của mình với lý thuyết game thì các bạn nên dành thời gian cuộc đời cho những game có tổng lớn hơn không.
Hẳn nhiên rồi, hãy chơi những game mang lại cho bạn những lợi ích bền vững cùng với sự hỗ trợ về nguồn lực của những người khác.
Ứng dụng của lý thuyết game trong đầu tư
Việc đầu tư mà mình muốn nói đến có thể là đầu tư kinh doanh hoặc có thể là đầu tư trên thị trường chứng khoán, bởi lý thuyết game là một lý thuyết có tính khả dụng và đem lại hiệu quả lớn trong thực tế đầu tư.
- Mặc cả
Mặc cả thường nảy sinh khi quy mô thị trường nhỏ và không có tiêu chuẩn giá rõ ràng vì hàng hóa là duy nhất.
Việc bạn mua một món hàng hoá cũng giống như việc bạn mua cổ phần công ty vậy. Bạn cũng cần đấu trí để đưa ra mức giá tốt nhất cho mình.
- Dự đoán phản ứng của thị trường
Khi có một tin tức xuất hiện đặc biệt trong thị trường chứng khoán, bạn phải luôn nghĩ rằng những thông tin bạn biết thì những người tham gia thị trường khác cũng biết.
Tương tự như thông tin về việc các ngân hàng nhà nước "dọa" tăng lãi suất mà mình đề cập đến ở phần mở đầu, hẳn nhiên khi bạn biết thì những người khác cũng đã biết. Đây là một cuộc chơi có tên gọi đúng với tính chất của nó: "Một ván bài lật ngửa".
Trong tình huống này, tùy thuộc vào trạng thái cụ thể của thị trường, bạn cần có những phân tích và quyết định khác nhau dựa trên phản ứng của những người tham gia thị trường khác.
Và cũng đừng quên việc diễn tập kế hoạch B giống như bài viết trước mình đã chia sẻ.
Nếu bạn biết rằng mọi đối tượng luôn hành động để tối đa hoá lợi ích của họ, bạn cũng sẽ giải thích được những động lực đằng sau những thay đổi về giá hoặc những thay đổi về chiến lược, từ đó, bạn sẽ có quyết sách cho riêng mình.
- Điều chỉnh chiến lược của bạn
Trong bối cảnh có cạnh tranh về giá, bạn có thể theo dõi chiến lược của đối thủ và điều chỉnh chiến lược của mình.
Cạnh tranh lành mạnh và học hỏi từ chính đối thủ của bạn, từ đó tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng.
- So sánh hai doanh nghiệp cùng ngành
Việc sử dụng lý thuyết game có thể giúp bạn so sánh chiến lược giữa hai doanh nghiệp cùng ngành.
Từ đó bạn có thể có những quyết định đầu tư vào những công ty có chiến lược tốt hơn dựa trên phân tích của bạn.
Tổng kết
Lí thuyết game từ lâu đã trở thành một trong những công cụ phân tích tiêu chuẩn của kinh tế học.
Không những thế, nó được ứng dụng rộng khắp trong tài chính, chứng khoán, sinh vật học, quan hệ quốc tế, chiến lược quân sự và rất nhiều ngành khác.
Trong cuộc sống, lý thuyết game cũng được vận dụng rất linh hoạt. Có một câu nói mà mình rất thích khi tìm hiểu về chủ đề này, xin chia sẻ cùng các bạn:
"Chúng ta không phải lo lắng rằng thận sẽ cố gắng hoạt động tốt hơn tim và không trả lại lượng máu mà tim đã tin cậy gửi đến nữa!"
Cảm ơn các bạn đã đọc!
DNSE Blog - Đầu tư thông minh hơn Newsletter
Đăng ký email để nhận cập nhật mới nhất từ chúng tôi