Nghệ thuật đầu tư

Với nhiều người, đầu tư tài chính và nghệ thuật dường như không có điểm chung, bởi một bên dựa trên nền tảng của tư duy logic và các con số, bên kia ngả theo cảm xúc và thẩm mỹ. Hãy thử tìm hiểu những nét tương đồng thú vị nếu có giữa hai bộ môn này nhé!

Huy

Là một người làm nghệ thuật, mình có thiên hướng thích sự tự do, không muốn bị ràng buộc hay gò bó bởi bất kỳ điều gì. Đó cũng là lý do chính mà mình chọn công việc trong ngành thiết kế mỹ thuật, nơi mình có thể thỏa sức sáng tạo mà không cần phải áp dụng những công thức tính toán khô khan nào hết.

Sau này, mình có cơ hội làm việc tại nơi mà mình vẫn có thể vẽ vời đúng với sở thích nhưng cũng được tiếp xúc với thị trường chứng khoán, một thị trường đầu tư đang dần trở thành xu thế.

Với lợi thế môi trường làm việc sẵn có, mình đã tìm hiểu và đầu tư một phần nguồn tiền tích trữ của mình vào thị trường chứng khoán để nó tiếp tục sinh lời thay vì nằm im trong tài khoản ngân hàng.

Và mình phát hiện ra rằng, thị trường này không khô khan chỉ toàn những con số như mình từng nghĩ. Nó cũng chính là một bộ môn nghệ thuật - nghệ thuật đầu tư.

Thế thì, theo bạn, nghệ thuật và đầu tư có gì liên quan? Mình thì mình nhận thấy những điểm tương đồng thú vị giữa hai lĩnh vực tưởng chừng như khác nhau một trời một vực này.

Sáng tạo hay dự báo cũng có nguyên tắc

Như mình đã nói, người làm nghệ thuật cần nhất là sự tự dosáng tạo. Nhưng nếu bạn hỏi trong nghệ thuật có phải áp dụng những công thức không thì mình xin khẳng định là có. Bạn có thể thỏa sức sáng tạo với trí tưởng tượng của mình, nhưng vẫn luôn có những thứ bạn buộc phải tuân theo quy tắc, ví dụ như ánh sáng, tỉ lệ.

Thị trường chứng khoán cũng vậy. Bạn sẽ luôn phải theo dõi sự tăng trưởng của doanh nghiệp mà mình muốn đầu tư để từ đó có những quyết định phù hợp nhất. Theo dõi sự tăng trưởng của doanh nghiệp luôn là nguyên tắc đầu tiên cho mọi phân tích dự báo sau này khi bạn bước chân vào thị trường chứng khoán.

Rủi ro luôn tiềm ẩn trong nghệ thuật cũng như đầu tư

Chứng khoán luôn được coi là lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro. Còn nghệ thuật thì sao? Mình cho rằng bất cứ lĩnh vực nào cũng có rủi ro mà đôi khi chúng ta không thể lường trước được.

Khi bắt đầu thực hiện một đề tài, hay đơn giản là vẽ một bức tranh, mình luôn cố gắng làm mọi thứ thật đúng trước khi bắt đầu sáng tạo. Thế nhưng vẫn luôn có rủi ro trong việc sáng tạo đó.

Bạn cho rằng trong nghệ thuật không tồn tại các quy chuẩn từ thị trường? Không hẳn như vậy, một tác phẩm để được đón nhận về cơ bản vẫn phải đáp ứng được những tiêu chí bất di bất dịch về thị hiếu người xem. Có thể bạn cho rằng tác phẩm của mình rất tuyệt vời, nhưng nếu nó không được khán giả tiếp nhận thì đó vẫn là một tác phẩm thất bại.

Trong đầu tư cũng vậy, đôi khi bạn đã phân tích doanh nghiệp một cách tỉ mỉ và chi tiết hết mức có thể nhưng vẫn thất bại trong đầu tư. Trên thực tế, giá trị của một cổ phiếu luôn luôn thay đổi dựa trên nhiều yếu tố khác nhau mà chúng ta không thể biết trước. Mọi sự phán đoán sẽ luôn chỉ mang tính tương đối mà thôi.

Thất bại không phải là thua cuộc

Bởi vậy, dù có thất bại trong một tác phẩm, hay thất bại trong việc đầu tư, mình không nghĩ rằng đó là thua cuộc. Thất bại sẽ cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu cho những mục tiêu sau này. Rủi ro sẽ luôn tồn tại trong mọi lĩnh vực, chúng ta nên chấp nhận và tiếp thu nó để sau này làm tốt hơn.

Tóm lại, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, dù là nghệ thuật hay khoa học tài chính, mình nhận thấy luôn luôn phải tìm cách làm đúng trước khi làm điều mình thích. Và hãy luôn chấp nhận rằng mọi thứ đều có tồn tại rủi ro. Nếu đã hiểu được những điều đó, thì mình tin bạn đã sẵn sàng để thực hiện một tác phẩm nghệ thuật về đầu tư trên thị trường rồi đó.

Nhà đầu tư mới

Huy